Câu cá ở Trường Sa
Chạy đua với bão

Đưa cá về tàu

Sau khi vừa rời đảo Trường Sa Đông, chiếc tàu vội vã nhổ neo, khẩn trương tiến về đảo Đá Tây. Tôi ngạc nhiên: “Tại sao không ở lại đây thêm một đêm để  câu cá? Tối hôm qua bắt được quá nhiều cá mà. Đến sáng mai đến Đá Tây cũng còn kịp chán”. Chàng thủy thủ tên Sửu hinh hỉnh cánh mũi: “Anh có ngửi thấy mùi biển tanh không?. Biển tanh là chứng tỏ biển đang động. Như vậy sắp có bão rồi. Sáng nay cá heo nổi cũng nhiều nữa. Phải mau “cuốn gói” đi cho sớm”.

Đúng là dân biển tinh thật. Tôi căng mắt ra nhìn cũng không thể đoán được sắp có bão vì tứ phía trời rất quang đãng, không hề có gợn mây đen nào. Thế nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau tôi đã cảm nhận được điều dự báo chính xác của Sửu. Tàu vẫn rẽ sóng lướt băng băng nhưng đã bắt đầu chao đảo thấy rõ. Con sóng bắt đầu cao hơn, đánh tung toé bọt nước lên boong làm ướt hết dãy võng của chúng tôi căng ở bên mạn phải. Phía sau, cơn gió lạnh mang đầy hơi ẩm đã phảng phất qua lưng. Xa xa chân trời, trời chuyển mây đen thật nhanh, chớp lóe liên hồi. Bão và tàu chúng tôi đang chơi trò rượt đuổi. Chẳng bao lâu, trong đoàn của chúng tôi đã có người say sóng nằm chết dí trên võng.

Những người săn cá

Lênh đênh giữa biển

Buổi chiều, bầu trời lại trở nên thật êm dịu đến độ chẳng ai nhớ đến cơn bão vừa hành hạ mọi người cách đây không lâu. Mặt nước trong xanh, không gợn một tí sóng. Phía trước mặt là đảo Đá Tây, một đảo chìm, khi nước triều lên chỉ còn thấy phần lô cốt nổi trên mặt nước. Chúng tôi neo tàu trong thềm san hô của đảo Đá Tây. Độ sâu thật lý tưởng: khoảng 100 m, rất thích hợp cho việc câu cá đáy.

Sau bữa cơm chiều ăn vội, trong đoàn chúng tôi đã có người xách đồ nghề ra chuẩn bị “hành sự”. Nào là dây, nhợ, lưỡi, mồi, vợt và cả cây cù nèo để kéo hỗ trợ khi gặp cá to. Có bộ đồ nghề mua tận bên Singapore với đặc điểm  khúc dây gần lưỡi câu có bện thêm thép để cá không cắn đứt. Giá trị của dây câu này nghe nói cũng là bạc triệu. Một bóng đèn cao áp sáng lóa cũng được bắc bên mạn tàu. Chẳng bao lâu sau đã thấy từng đàn cá chuồn vào ăn đèn, tha hồ cho các tay cầm vợt lập thành tích. Cứ mỗi lần đưa cây sào dài có gắn vợt ở đầu xuống mặt nước là lại vớt được cá chuồn. Cá chuồn đem nướng mọi chấm muối ớt là khỏi chê nhưng ở đây, anh em dành làm mồi để câu cá lớn.

Mãi một lúc sau tôi mới thấy Tâm, một tay câu cá chuyên nghiệp của tàu xuất hiện, miệng vẫn còn ngậm chiếc tăm tre, trông có vẻ rất thư thả. Tôi hỏi với: “Sao chưa xuất quân đi bạn hiền ?”. Tâm khề khà: “Vội gì. Đợi thêm một lúc nữa cho đúng giờ cá đói đi kiếm ăn. Câu cá chỉ khoảng từ lúc xẩm tối đến khi trăng lên đỉnh đầu là giờ tốt nhất. Trăng lên cao hơn thì là lúc cá không còn ăn mồi”.

Thả thuyền thúng câu mực

Trên tàu ai cũng nể tài “sát cá” của Tâm. Tuy là thợ máy nhưng cứ mỗi lần thả câu, Tâm lại là người cung ứng thực phẩm nhiều nhất cho tàu. Tâm ngồi chậm rãi lấy một dải băng quấn quanh ngón trở để bảo vệ ngón tay khi kéo dây cước. Bộ đồ nghề của Tâm cũng khá đơn giản, chỉ toàn là hàng Việt Nam. Móc cá chuồn làm mồi, Tâm tung mạnh lưỡi câu ra xa. Dây câu bung ra thật nhanh quanh chiếc ru –lô. Đợi lưỡi câu và chì chìm xuống đáy biển, Tâm kéo lên khoảng 2 sải tay và thu dây lại bớt. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Tâm giải thích: “Để cho lưỡi câu và chì không nằm cùng nhau dưới đáy biển”. Chốc chốc, Tâm lại kéo nhẹ dây câu. Thời gian chưa đủ làm cháy hết một phần ba điếu thuốc, Tâm đã giật lên được một con cá thu to, có hơn 20 ký, gãy đành đạch làm rung cả sàn tàu. Tâm phải dùng một chân chấn xuống mang, một tay lần vào miệng cá mới thu hồi được lưỡi câu.Từ đó trở đi cứ khoảng 20 –30 phút, Tâm lại đem về một “chiến lợi phẩm”.

Ngồi tán chuyện với Tâm, Sửu, Vũ –những tay thợ câu chuyên nghiệp của tàu –tôi học được nhiều kinh nghiệm câu cá thật lý thú. Trước hết là xem độ sâu, con nước chảy và vùng loại cá để xác định phương thức câu. Độ sâu hơn 100 m, nước đứng thì câu đáy là “thắng” lớn. Cá sống ở độ sâu này thường là loại cá lớn trên 10 kg như: ngừ, thu, thu ngừ, chim… Độ sâu nông hơn và nhất là gặp con nước chảy thì chỉ có câu rê (câu lửng) để bắt cá hồng là chủ yếu. Câu rê phải có tay nghề thì cách tung mồi và kéo rê dây câu mới “ngọt. Nếu không thì dây cứ rối vào nhau. Và dĩ nhiên câu rê mất công hơn nhiều.

Đối thủ kỵ rơ

Cá mập mắc câu

Đi câu cá ngoài biển, dân chài “kỵ” nhất là gặp cá ma, cá heo, cá nhồng, bởi khi những con cá này xuất hiện thì các đàn cá khác cũng vội “biến” mất tăm. Ngoài ra dân câu còn ngán cả bạch tuộc vì con vật này khi đã lôi được dâu câu xuống bám vào đá, san hô thì “khổ chủ” chỉ còn có nước dùng kéo cắt ngang và “kính biếu” dây câu, lưỡi, chì cho biển cả. May mắn mà “trúng” đậm thì gặp cá mập loại vài chục ký. Khi ấy kéo câu nặng tay rất “đã”, nhưng phải biết kéo nương theo thế kẻo đứt dây câu. Lôi được con cá mập lại gần mạn thuyền thì anh em phải xúm vào dùng cây, gậy, cù nèo… đập cho cá chết mới kéo được lên sàn. Sau đó, việc đầu tiên là dùng dao cắt ngay cặp vây, kỳ –thứ có giá trị nhất dùng trong chế biến món “vi cá” bổ dưỡng. Thịt cá mập nếu biết làm đem nhúng lẩu cũng rất ngon.

Câu cá biển dễ hay khó? Thấy thì có vẻ đơn giản nhưng làm thì chẳng dễ ăn. Anh bạn đồng nghiệp của tôi từng đi Trường Sa 4, 5 lần rồi nhưng khi câu cá thì cũng ngồi “đồng”. Thức trắng đêm chỉ bắt được dăm con cá ma - loại “thủy quái” mà thịt của nó xẻ ra làm mồi đến cá đói cũng phải chê.

LÊ VĂN
Các tin khác cùng chuyên mục
Câu cá mập trên đỉnh Tình Yêu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:35:56 SA
Săn cá thu, nghề lắm công phu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:35:41 SA
Về thăm quê. Và tất nhiên rồi, lại câu ! - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:36:27 SA
Về thăm quê. Và tất nhiên rồi, lại câu ! (phần cuối) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:34:41 SA
Câu lông trên biển Quảng Phúc - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:26:02 SA
Câu lông trên biển Quảng Phúc (tiếp theo và hết) - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:25:47 SA
Câu cá ban đêm trên biển Ngoại Hải - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:24:03 SA
Câu Cá Song và bắt Tu hài trên đảo Bánh Sữa - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 9:23:42 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.