Về thăm quê. Và tất nhiên rồi, lại câu ! (phần cuối)
Trở lại với chuyện câu, câu ở chỗ eo biển không ăn thua, chúng tôi chuyển sang câu bên vách đá phía trước núi, điểm câu “ruột” của nhóm câu Quy Nhơn. Để đến được chỗ này phải leo qua đỉnh núi cheo leo. Đứng ở trên nhìn xuống thấy chóng mặt, toàn những tảng đá to không có chỗ bấu víu, phía dưới là chân sóng trắng xóa.
Nơi câu là một vách đá dựng đứng có độ cao khoảng 5-6m, biển xanh sâu thẳm. “Đây là nơi bọn em hay câu, có lần câu được cả bao tải cá mú” Hiển hồ hởi nói vậy. Áp dụng chiến thuật câu đáy cho vách đá này là rất hợp.
Được một lát, Trung và Sơn lại lên cá nhưng không to như mong đợi mà lại vẫn loại mú nhỏ cỡ 3 ngón tay. Anh Sơn “râu” cũng ra câu, anh không câu bằng mồi tôm như chúng tôi mà câu bằng mồi con nha (một loại cua nhỏ sống trên đá, như con cáy, còng gì đó) cũng chỉ được 1 chú cá mú cùng lứa trên. Nắng và rượu Bàu đá cũng đã ngấm nên anh lăn quay ra ngủ. Cả nhóm vẫn miệt mài câu trên mỏm vách đá.
Định thì hên hơn, lôi lên được một chú cá bò da rõ đẹp
Tôi sử dụng chì gắn phao câu đáy để giảm thiểu mất chì (đã thử nghiệm nhiều nơi, rất hiệu quả sẽ giới thiệu với các bác sau bài này). Lạ ở chỗ cứ thả mồi xuống nhấc lên lại mất lưỡi, không hề có cảm giác cá cắn. Lưỡi câu mất ngọt xớt. Hiển nói là cá nóc cắn. Tiếc lưỡi câu và cũng muốn lôi nó lên để biết đích xác nó là con gì, tôi ra xin Sơn một đoạn cáp làm thẻo. Thả xuống một lát, đầu cần trĩu nặng như bị mắc túi nilon. Giằng co với nó một lát thấy nổi lên mặt nước một em cá nóc thật. Cẩu lên một em khoảng 0.8kg có bộ váy áo rõ là diêm dúa
Hàm răng của nó mới khiếp, dây cáp thế mà nó cắn nát bét, chỉ còn mỗi cái lõi. Thò kìm vào để gỡ lưỡi câu mà nó nghiến sứt cả mũi kìm. Sờ bụng nó thấy bên trong lổn nhổn toàn lưỡi câu. Kinh. Loại nóc này không ăn được. Nóc hòm, đặc biệt là nóc nhím thì ăn ngon. Nóc nhím dùng kìm nhổ hết gai đi rồi luộc cả con mà nhậu thì hết ý (nghe lỏm thấy thế).
Câu một lát nữa vẫn lên toàn nóc và một số mú nhỏ. Ngồi dựa lưng vào vách đá, ngắm biển, ngắm núi đồi, lúc này trời đã dịu mát, gió biển thổi lồng lộng, trời trong veo, đường chân trời hòa với biển làm một, biển trời không còn ranh giới. Trên đỉnh các ngọn đồi đồi phía xa ẩn hiện lác đác những tháp của người Chăm đỏ au lại nhớ đến bài thơ của nhạc sĩ Văn Cao khi ông lần đầu đến thăm Quy Nhơn
Từ trời xanh
Rơi
Vài giọt Tháp Chàm
Quanh Qui Nhơn
Tôi
Như đứa trẻ yêu huyền thoại
Tháp chăm ở Bình Định thật lạ, nó không nằm thành một cụm như ở Mỹ Sơn mà nó “rơi” rải rác trên đỉnh các ngọn đồi một cách ngẫu hứng.
Có 7 cụm với 13 tháp Chăm như vậy
Tháp chăm trở nên đẹp một cách huyền ảo là vào buổi hoàng hôn. Vào trong tháp, đứng ngay tại chính giữa lòng tháp, nhắm mắt lại thiền định. Cái lạnh lẽo sẽ thấm đẫm vào người bạn. Buồn. Y như sự suy tàn của một nền văn minh Chăm vậy.
Trời trở về chiều, tỉnh rượu, ngồi nhỏm dậy, anh Sơn “râu” rổn rảng “Dzề thôi tụi bây, bữa nay không câu được đâu”. Chúng tôi thu dọn đồ nghề rồi ra thuyền trở về đất liền, kết thúc một ngày câu không được như ý.
“Tổng kết rút kinh nghiệm” trong cuộc nhậu sau đó đã vỡ ra một số vấn đề : Cá hanh có nhiều, kể cả loại hanh đỏ nhưng tùy từng điểm câu mới có nó. Mùa câu rơi vào mùa mưa, lạnh khi đó nước không quá trong. Kiểu câu ISO thích hợp với loại phao không sử dụng hạt chặn trên vì vách đá ở đây rất sâu và dốc. Câu đáy với chì nặng sẽ rất hiệu quả cho địa hình ghềnh đá miền trung.
Đấy, chúng tôi ngồi “tám” với nhau và rút ra được kinh nghiệm như vậy đấy. Nhậu tưng bừng, vui quá cỡ, chỉ mỗi việc câu cá thôi mà sao lắm chuyện thế không biết, ngồi đến đêm vẫn không hết chuyện cá mặc dù cá câu chẳng được bao nhiêu.
Dải đá ven biển Bình Định và ở các đảo gần bờ là “mỏ” cá vô tận đang chờ các cần thủ khám phá. Chia tay các bạn câu, hẹn mùa câu sang năm sẽ gặp lại. Hy vọng lần tới về thăm quê tôi sẽ không đi một mình
Một số hình ảnh về Bình Định
Biển Quy Hòa
Biển Quy Hòa
Biển Quy Hòa
Vườn Tượng danh nhân
Vườn thơ Hàn Mặc Tử tại Ghềnh Ráng
Vá lưới
Suối Hầm Hô (Tây Sơn – Bình Định)
Chạy cơn mưa chiều
Hà nội 14-4-2008
Cò Đen