Câu Cá Song và bắt Tu hài trên đảo Bánh Sữa

Tôi đang có một việc đi Miền Trung thì nhận được điện của vợ chồng người bạn : " Anh có đi câu biển không ? Câu cá song và tu hài ở đảo Bánh Sữa giữa vịnh Bái Tử Long. Anh cho chị và cháu đi nhé ! Câu thì phụ thôi, đi chơi đảo là chính. Một cái đảo hay lắm anh ạ ! Xe đón trước cửa nhà em lúc 6h30, anh nhớ đúng giờ, tốt nhất anh chị cho cháu xuống Hải Phòng từ tối thứ sáu ".
Tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị cần cho hai, ba người câu, đối với bọn họ là phụ, nhưng đối với tôi thì là chính nên tôi nói vợ tôi chuẩn bị cẩn thận. Thế là sáng thứ bảy 19/7/2008 chúng tôi lên đường. Thuê một ôtô 29 chỗ ngồi, đồ đạc lỉnh kỉnh, bảy tám người lớn và khoảng một chục đứa trẻ con chúng tôi đi Vân Đồn, Quảng Ninh.
Khoảng 9h30 chúng tôi đến Cảng Cái Rồng. Trời mưa như trút nước, tàu đã đón ở cầu cảng, mà không sao mở cửa xe xuống được. Đến 10h mưa ngớt một chút, chúng tôi vội vàng xuống tàu.Mấy người đón chúng tôi nói : " Sáng nay ở đảo không mưa, vào đây không may cho các anh chị, mưa to quá ! ".
Tàu nhổ neo, trời lại mưa to hơn, phía trước là Vịnh Bái Tử Long, đảo đá lô xô thẫm mờ sau tấm màn nước.
Khoảng một tiếng sau, trời tạnh, đã có những tia nắng đầu tiên xuyên qua những đám mây mỏng màu xám, đang bay vội về phía Bắc, trả lại cho mặt biển ánh sáng rực rỡ của một ngày hè. Tàu chúng tôi vẫn theo hướng Đông Nam, sau khoảng 30 phút, đảo Bánh Sữa dần hiện ra.
Không biết tại sao đảo lại có tên là Bánh Sữa, nghe nói tên đảo có từ thời Pháp thuộc. Một điều lạ là đảo có tên từ lâu mà chẳng ai để ý, mãi cho đến năm 2004 ông chủ đảo bây giờ, người ta quen gọi là ông Vua Tu hài, mới làm chuyến khảo sát đầu tiên tới đảo và quyết định bỏ nghề chủ đầm nuôi tôm sú với 350 ha đầm ở Yên Hưng, đang làm ăn phát đạt, kiếm tiền tỷ hàng năm, tìm hướng đi mới vào con Tu hài, một hải sản quý hiếm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có giá trị kinh tế lớn mà nghề nuôi lại khá xa lạ với cư dân vùng biển.

Âu cũng là cái duyên may giúp ông tìm được địa điểm nuôi Tu hài vào loại tốt nhất khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Ông nói với tôi, nếu nhìn từ vệ tinh, Hòn Bánh Sữa như một con Rùa đầu hướng về phía Bắc, tạo một thế phong thuỷ tuyệt vời. Với dòng chảy và những vỉa san hô ngầm hình thành hàng vạn năm, nơi đây hội tụ tất cả các điều kiện tự nhiên thích hợp nhất với môi trường sống của con tu hài. Tu hài sinh sống chủ yếu ở vùng nước nông, náu mình dưới bãi cát ngập nước biển. Chúng thích nghi với những bãi cát trắng, cấp hạt trung bình có lẫn xác vỏ động vật thân mềm, cành san hô chết nát vụn, nơi ít sóng, thuỷ triều lên xuống, nó ưa sống ở môi trường nước sạch. Đặc biệt tu hài rất thích sự yên tĩnh, không có sự tác động nhiều của con người. Chúng sống chủ yếu trong vùng nước có nhiệt độ từ 22-28oC và độ mặn từ 30-32%. Nuôi tu hài không phải chi phí thức ăn, ở sâu dưới cát, tu hài vươn cái vòi của nó qua lớp cát xốp hút phù du có trong bọt nước. Từ ấu trùng nhỏ xíu phát triển bằng hạt gạo, với môi trường tự nhiên của đảo Bánh Sữa, sau 12 tháng đến 14 tháng đã trở thành tu hài thương phẩm.
Sau các thủ tục giấy tờ, những bao xi măng và những viên gạch đầu tiên được chuyển từ đất liền ra đảo những ngày sau đó của năm 2005 và 2006. Đến nay, chỉ mới sau hai, ba năm một dinh cơ khang trang, một cơ sở sản xuất đồng bộ nuôi tu hài vào loại lớn ở Việt Nam đã hình thành. Từ trại sản xuất giống, đến khu nuôi tu hài với phương pháp nuôi lồng và nuôi bãi chiếm diện tích 50ha-60ha mặt nước. Công ty của ông hiện có 100 lao động, tất cả đều sống tại khu nhà tập thể khá đủ tiện nghi của đảo. Điện máy phát 24/24h, nước sạch đủ cho nhu cầu sinh hoạt và tắm giặt hàng ngày, có bàn bi-a và bóng bàn, có ti-vi thu qua chảo, có phòng karaoke, lương công nhân trừ ăn uống trên 1.000.000 đồng/người.
Sản lượng tu hài, nếu tính cả Vân Đồn, năm 2008 có thể lên đến 500 tấn. Ông nói với chúng tôi cố gắng vài năm nữa trại giống sẽ đưa từ 5 triệu con giống lên 20 triệu/năm, phấn đấu sản lượng tu hài sẽ đạt 1.000 tấn/năm. Chưa kể các khoản thu nhập khác từ nuôi cá song, nuôi hầu, nuôi trai lấy ngọc và dự kiến còn nuôi cả bào ngư; với giá bán tu hài hiện nay của Công ty 250.000 đồng/kg, chúng ta thử tính nguồn lợi thu về của Công ty một năm sẽ là bao nhiêu !
Ra tận thềm sát mép biển, ông Vua Tu hài trong trang phục màu trắng rất thời trang và lịch sự, niềm nở tươi cười đón chúng tôi. Ông tiếp chúng tôi bằng những sản phẩm của đảo: tu hài nướng, hầu sống ăn với mù tạt và lá mui, tôm, ghẹ, kù kỳ, ngao, cá song…rượu ngâm dược liệu và hải sản quý. Lần đầu được thưởng thức món tu hài nướng, tôi mặc sức để cho cảm giác của mắt, tay, miệng, lưỡi và các giác quan của mình phiêu diêu trong cái vị, thơm ngon, dòn, ngậy và ngọt ngào của nó, đúng là khó có thể có một món ăn nào hấp dẫn hơn thế. Ông chủ hiếu khách cứ luôn tay câu tu hài vào đĩa ăn của khách. Tôi cũng không ngờ, trong đĩa ăn của mình đã có 3 cái vỏ tu hài, trong tay tôi lại đang cầm con tu hài thứ tư. Những chất bổ dưỡng có một không hai này cứ tự nhiên đi vào cơ thể tôi không thể cưỡng lại. Trong cái cảm giác lâng lâng, tai tôi vẳng nghe lời giới thiệu của anh bạn kỹ thuật, người ngồi bên cạnh mình: tu hài là thức ăn bổ dưỡng đặc biệt, nó có 11,63% đạm, 0,42% đường, 1,22% muối khoáng, nó có đến 16/18 loại axitamin, trong đó có nhiều loại là axitamin không thể thay thế. Ông chủ đảo đang cùng một số nhà khoa học dự tính sẽ chiết xuất từ con tu hài để có một dược phẩm cao cấp phục vụ cho các vận động viên quốc gia trên đấu trường quốc tế đem vinh quang về cho tổ quốc.
Buổi chiều, ông đưa chúng tôi đi thăm hòn đảo thứ hai ông mới làm xong sổ đỏ. Hòn đảo này nằm ở phía Nam đảo Bánh Sữa, cách 30 phút đi tàù. Khác với Bánh Sữa là đảo đá, Soi Mui là một hòn đảo đất, có diện tích 13 ha cây cối xanh tươi, có một số cây to như cổ thụ. Trên bãi cát trắng, pha lẫn với những mảnh vụn san hô, bọn trẻ con đùa nghịch thoả thích , chúng lặn ngụp dưới làn nước trong xanh, phẳng lặng như mặt hồ. Xa xa vài con thuyền nhỏ của những người câu cá thấp thoáng trong ánh mặt trời chiều tà chiếu xiên qua những hòn đảo phía Tây, hằn trên mặt nước những dải sáng lấp lánh. Trước mắt tôi, một khung cảnh yên tĩnh, sạch sẽ và hoang sơ đến lạ thường mà tôi chưa từng gặp. Ông dự kiến sẽ cho quy hoạch mặt bằng toàn đảo, làm đường, trồng cây, xây dựng vài chục ngôi biệt thự và biến hòn dảo Soi Mui khuất nẻo này thành một hòn đảo sinh thái phục vụ nhu cầu của khách du lịch bốn phương. Tôi mừng cho ông, một nhà doanh nghiệp thành đạt. Nhưng thẳm sâu trong tôi, một thiên nhiên hoang sơ và tinh khiết từ hàng vạn năm trước cứ như ngọn lửa cháy nhấp nháy, nhỏ dần, nhỏ dần …
Trở về đến đảo Bánh Sữa trời đã tối xậm. Tối nay, ông cho một số cán bộ phụ trách các bộ phận ăn cơm với chúng tôi. Trong bữa cơm tối thân mật và ấm cúng, qua vợ một anh bạn, tôi mới được biết hôm nay ông đã phải xin lỗi không đi dự lễ hội ở đảo Quan Lạn mà ở nhà tiếp chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cảm kích vì tình cảm của ông đối với chúng tôi, chỉ là mấy gia đình mà ông coi như những đứa em thân thiết.
Ăn cơm xong, mọi người đi hát karaoke, bọn trẻ con thấm mệt đi ngủ sớm.Tôi và một anh bạn đi câu. Nước đang xuống, trời sáng trăng, gió rất mát, không có muỗi và dĩn như trong đầm. Toàn cá con, mất mồi liên tục, nhưng đến 12 giờ đêm chúng tôi cũng câu được 3 con cá song nhỏ và khá nhiều cá dìa. Mệt quá, anh bạn tôi về ngủ. Tôi nán lại nói chuyện với anh bạn thuyền chài chuyên đánh cá song bằng lưới bát quái cung cấp cho đảo nuôi lồng bè, mà tôi làm quen lúc đầu giờ chiều. Như đã hẹn, anh bạn lấy thuyền chở tôi sang hòn đảo bên cạnh không rõ tên. Dưới ánh trăng huyền ảo, bên cạnh chai rượu và mấy thứ quả đo đỏ, tim tím không biết là thứ quả gì, trong không gian yên tĩnh chỉ có tiếng sóng biển ì oặp vỗ nhẹ vào chân đá, tôi đã dược nghe một câu chuyện tình đến kỳ lạ của một ông già tóc bạc trắng.
Gần sáng tôi mới về. Ngủ qua quýt một chủt rồi đi ăn sáng. Chúng tôi lại đi câu và xem thu hoạch tu hài .
Để bướt sự kể lể có khi là dài dòng, tôi kèm theo dưới đây mấy bức ảnh chụp được ở đảo.
Tôi cứ mong, biết đâu Thầy Thắng Đại học Y Hải Phòng cũng có trong chuyến đi này. Một người, mà tôi chưa có dịp gặp mặt, nhưng qua văn, tôi biết có lẽ Thầy là một Lãng tử có hạng. Và tất nhiên, nếu có Thầy chúng ta lại sẽ có dịp được đọc những trang viết sống động và đầy tình người về cuộc đời và số phận của những người bạn mới quen và chưa quen trên đảo như Thầy đã từng viết về giáo sư Bình, anh Hoàng, bác Thuỷ và cả cô Thanh Mộc nữa, chắc hẳn là các nhân vật của Thầy trên những hòn đảo cổ xưa này sẽ lung linh, lung linh, huyền ảo, phảng phất như từ một câu chuyện cổ tích .
Có thể là tôi sẽ kể tiếp.

 

sontavic, tháng 7-2008

 

Thảo luận

Các tin khác cùng chuyên mục
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.