Ra bè câu mực lá

.

 

muc1-090613.gif

Chăm chú câu mực lá. - Ảnh: HÙNG PHIÊN

 

GỌN NHẸ ĐỒ NGHỀ

 

Nghe những lời trầm trồ về cảm giác, lời rủ rê của “trùm” bám bè tôm hùm câu mực Đoàn Văn Dinh (ở phường 9, TP Tuy Hoà), tôi liền tháp tùng cùng Dinh. 3g chiều, hai anh em đi xe máy hơn 15 cây số từ TP Tuy Hòa ra vùng biển xã An Chấn (huyện Tuy An). Hành trang mang theo, ngoài đồ câu là mấy gói mì, áo ấm, áo mưa và có cả vài lá ngãi cứu (một loại cây thuốc nam) để “lấy hên” mà câu được nhiều! Riêng điện thoại di động, máy ảnh… thì phải bọc nilon, dây móc cẩn thận để phòng ngừa muối biển, lỡ rơi xuống nước. 

 

Đến bãi biển Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn), tôi mới biết có cả một “đường dây” để phục vụ dân câu bè. Mấy ngôi nhà rộng rãi để khách câu gởi xe máy (2.000 đồng/chiếc/đêm), ghe máy chuyên chở khách từ bờ ra bè (10.000 đồng/người/chuyến ra và vào), muốn mua các thức ăn uống gì cũng có sẵn nơi mấy nhà bán quán dọc bãi... Giá cả bình dân, chưa thấy dáng dấp “dịch vụ du lịch”. Anh Dinh cùng nhiều người đi câu khác đã trở thành khách thân của các đầu mối nơi đây. Hầu hết dân câu chuyên nghiệp đều có vài mối bè “ruột”, có quan hệ “bạn nhậu” với chủ bè nuôi tôm hùm ngoài khơi; chỉ cần lên ghe là được đưa thẳng đến đúng bè yêu cầu, không nhất thiết phải có mặt chủ bè. Ví như lần này chúng tôi ra bè của ông Sáu Án, giai đoạn tôm còn nhỏ nên không cần túc trực, ông Sáu chỉ mỗi ngày chạy ghe ra cho ăn vào sáng sớm, rồi về nhà làm việc khác. Chỗ quen biết nên có thể thoải mái sử dụng các đồ dùng trên bè như bếp, gạo, mắm… rồi hoàn trả sau.            

 

Từ bãi Bắc Mỹ Quang, chúng tôi lên ghe máy chạy chừng 20 phút đến khu vực bè tôm gần Hòn Chùa. Các nhà bè nằm san sát như một thị trấn nhỏ giữa trùng khơi. Đang lúc tôm còn nhỏ nên buổi chiều trên bè hầu như chỉ có dân câu, cùng một số chủ bè cũng có… máu mê câu. Rời ghe leo lên bè đã 5 giờ chiều. Dụng cụ câu mực giản tiện, không phải tốn kém công phu, chỉ một thanh tre chưa đến sải tay, phía đầu có một vòng nhựa nhỏ để thông dây cước từ cuộn ống bơ xuống nước để câu! Tôi hỏi anh Dinh: “Câu mực bằng mồi gì?”, “Đây!”- Dinh moi giỏ giơ ra một con tôm nhựa bằng ngón tay trỏ có màu sắc xanh đỏ kim tuyến sặc sỡ, trang trí mô phỏng tôm thật; phía đuôi “tôm” là hai lớp lưỡi câu chùm, trên có gắn miếng chì nhỏ cho dễ chìm. Với mắt thường có thể nhận ra ngay đó là… tôm giả! “Vậy mà mực không nhận ra sao?”, tôi thắc mắc. Anh Dinh bảo: “Hãy coi đây…”.

 

CÂU MỰC ĐÊM TRÊN BÈ

 

Chiều mát, nước biển trong lờ, có thể nhìn thấu đáy những bầy cá, mực, tôm bơi thong dong kiếm ăn trong nước. Anh Dinh nhanh nhẹn men theo khung bè làm bằng từng cặp cây gỗ tròn, thả “tôm” xuống nước vài mét cước, tay nhấp nhứ, giật liên tục. Chỉ một loáng đã có một nhóm mấy chú mực lá, loại chuyên núp bè kiếm ăn, có hương vị hàng đầu trong họ nhà mực, vờn quanh ngắm nghía con “tôm”, hai ba chú chen nhau, rồi một chú giương chùm râu túm lấy “tôm”. Anh Dinh giật phăng, thu dây, cầm đầu “tôm” lắc nghiêng nhẹ, thế là một “chú” mực đã bị tập trung vào cái rộng đang ngâm nước biển bên cạnh!

 

Anh Dinh giảng giải: “Khi câu mực, tay mình phải nhấp, giật liên tục để “tôm” búng nhảy như còn đang sống, “kích động” những con mực háu ăn nhào vô! Râu mực mềm nhưng bấu rất chặt nên khi dính vào chùm lưỡi câu là ăn chắc, khó bị sơ sẩy như câu một số loại cá. Chạng vạng và bình minh là lúc mực đi ăn nhiều nhất; lúc này màn nước biển không quá sáng nên dễ “lừa đảo” mực lá bằng… tôm nhựa! Chứ lúc khác thì mực dễ nhận ra “đồ giả” và cảnh giác thì mình phí công!”. Điều này tôi đã kiểm chứng vào lúc 7-8 giờ sáng hôm sau; dù vẫn còn thỉnh thoảng “lừa” được đôi “chú” nhưng hầu hết mực chỉ bơi lảng vảng thăm dò, ít khi giương râu túm lấy “mồi”!

 

Một điều lạ khác, khi câu mực vẫn có thể trò chuyện, nghe nhạc thoải mái, không sợ “đối thủ” bị đánh động. Anh Dinh vừa chăm chú nhấp, giật đôi phút nữa là lại có thêm một “chú” mực hơn một lạng mắc câu. “Cỡ này mà nấu mì gói ăn thì chỉ có nước đem… đổ bỏ!!!”, anh Dinh khoan khoái nói vui. Tôi chọn chỗ ngồi cho vững trên thành bè và thả “tôm”, hồi hộp nhấp, giật. Nhìn anh Dinh câu quá dễ mà phát thèm; phần tôi thao tác khá trầy trật, phối hợp giữa tay cầm cần tay cuộn-thả cước, nhấp, giật chưa linh hoạt… nhất là khi mới thấy con mực trờ râu gần tới “tôm” tôi đã nóng nảy giật phăng, thế là “xôi hỏng bỏng không”, chỉ thấy con mực phản ứng tự vệ bằng cách phun xạ mực đen ngòm một vùng nước! Việc mực phun nước xạ đen xì tứ phía này làm người câu rất khó tránh dây bẩn áo quần. Chẳng những anh Dinh bị dây áo khi mực dính câu, tôi ngồi cạnh cũng bị vạ lây! Anh Dinh cười khì: “Đi câu mực, mong… bẩn áo quần càng nhiều càng tốt! Ai sạch sẽ quá thì đừng “chơi” món này…”.

 

Chăm chú một hồi đã gần 7g tối, “chiến lợi phẩm” của hai anh em đã 13 “chú” mực lá, tổng ước chừng trên một kg (trong đó, tôi chỉ câu được một con nhưng sướng lâng lâng). Anh Dinh tạm dừng câu, vớt sáu con mực bự đem luộc trên bếp dầu để ăn mì gói. Đang lúc bụng đói, tôi “làm” luôn hai gói với ba con mực luộc tươi ròng! Mực lá luộc mộc có độ giòn mềm, ngọt ngào khác hẳn các loại mực từ trước đến giờ tôi đã ăn! 

 

Chỗ nghỉ trong nhà bè không rộng nhưng nằm nghe sóng biển, tôm cá quẫy, nghe nhạc… tôi ngủ lúc nào chẳng hay. Khoảng 22g, anh Dinh lò dò dậy để câu. Anh Dinh bảo: “Ban đêm, đôi khi mực cũng đi ăn khá. Trời tối, không nhìn thấy mực ăn “tôm” nhưng tay nhấp liên tục, khi nào thấy nặng thì giật phăng, cuốn dây là… có ăn!”. Đêm đó, anh Dinh còn thức dậy câu thêm một lần nữa; đâu được khoảng chục con mực kha khá, ở mức 1-3 lạng mỗi con. Riêng mực cỡ trên một kg mỗi con, với kiểu câu này, anh Dinh cho biết chỉ thỉnh thoảng mới câu được đôi con. Khoảng 4-5 giờ sáng, khi bình minh bắt đầu nhấp nhoáng, mực cắn câu thấy mà ham! Anh Dinh miệng cười tay giật, đến lúc trời vừa sáng tỏ là thu dọn “chiến trường”, ngồi nghỉ ngơi, rút điện thoại gọi ghe đưa vô bờ. Trên đường về, anh Dinh bảo: “Đợt câu này thuộc loại tạm đạt, chứ nhiều hôm gặp thời tiết không thuận, mực ít cắn mồi, coi như lỗ tiền ghe…”. Riêng tôi thì cảm thấy… quá lãi!

Thế là tôi đã hoàn chỉnh một chuyến câu mực bè hùm, có chuyện để… “nổ” với bạn bè! Sau khi dằn túi một phần mực cho vợ con, anh Dinh và tôi hứng chí chiêu đãi hàng xóm một bữa mực nướng muối ớt tươi ròng; mùi thơm ngót của từng khúc mực lá rùm rụm trong chân răng vẫn lừng lững đến lúc tôi ngồi viết những dòng này! Chắc chắn tôi sẽ còn theo ghe bám bè cho đến hồi đạt trình độ “có thưởng” từ thú câu mực bè hùm…

 

Theo trang web hanoifishing.com, mực lá có tên khoa học là Sepioteuthis lessoniana Lesson, là loài mực có cơ thể lớn, nhìn bề ngoài vừa giống mực nang, vừa giống mực ống; chiều dài thân 250-400mm, thân dài gấp ba lần chiều rộng; ở Việt Nam, loài mực này được phân bố ở cả ba vùng biển Bắc Trung Nam bộ, nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng Vịnh Bắc Bộ, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận. Có nhiều “thể loại” câu mực, riêng việc bám bè câu mực lá khá nhẹ nhàng, phù hợp với dân câu du lịch.   

  

Phóng sự của HÙNG PHIÊN-Phú Yên Online

Các tin khác cùng chuyên mục
Câu cá sấu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:53:08 SA
Lên núi Bà Đen câu thằn lằn - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:52:55 SA
Câu cá biển ở Anh - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:44:07 SA
Làng săn cá mập - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:43:39 SA
Dân câu ngày nay - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:42:08 SA
Đến hồ Xuân Hương buông câu - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:39:50 SA
Belize thiên đường của người câu cá - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:39:19 SA
Một "hoạt động" được các bà xã tín nhiệm - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:38:15 SA
Đi câu cá, đi bắt cá - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:36:56 SA
Đồ dùng cần thiết cho một buổi câu cá - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:35:10 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.