Lý nhơn - đi "PHÊ" về nhớ (Phần 3)

Sau khoảng mươi phút chúng tôi mới neo được ghe lại, Cường lấy ra 3 chiếc cần, hướng dẫn tôi mắc mồi vào một cái nhưng tôi lóng ngóng quá, khi Cường đã mắc xong hai cái còn lại thì tôi vẫn còn loay hoay với con trùn đã nát bét. Con trùn trông cũng bình thường nhưng khi dùng cái xỏ trùn để đưa nó vào lưỡi thì rất sợ, lúc ấy có lẽ bản năng sinh tồn không muốn làm vật tế sống đám bông lau khiến nó phản ứng rất quyết liệt, chính tôi đã bị nó đớp đầu ngón tay bằng ba chiếc răng nhỏ rồi oằn mình vặn đi vặn lại để trả thù. Đau thì không nhưng phải nói là rất khiếp, một con trùn bé tí tẹo tưởng là chỉ cần bóp một cái là bẹp dúm không hiểu sao lại đem cho tôi cái cảm giác rờn rợn và có phần kính nể.


Ảnh: Tuấn Anh + Chủ ghe

Tôi cầm chiếc cần Cường vừa mắc xong quay thử vài vòng, cũng bình thường nhưng đến lúc viên chì bị treo lên thì chao ơi là nặng, Cường thấy tôi ngần ngại bèn thực hiện làm mẫu cho tôi, để ném được viên chì 4 lạng ra xa tôi thấy Cường đưa viên chì ra sau lưng rồi dùng cả sức người cộng với sức của đôi cánh tay ném mạnh từ sau lưng vòng qua đầu, điều cốt yếu là phải vừa khoan thai vừa quyết liệt. Nước ở đây sâu đến 15 mét và chảy rất xiết nên khi viên chì chạm mặt nước thì vẫn phải thả dây để nó trôi tự do, cũng cần phải có kinh nghiệm thì mới biết là khi nào thì viên chì chạm đến đáy. Bản thân tôi phải mất đến mấy lần thất bại mới dần dần quen được cảm giác này.
 


Ảnh: Quăng câu

Trên ghe cả ở phía lái lẫn phía mũi nhà chủ đã làm sẵn những chỗ gác cần, sau khoảng mươi phút tôi thấy đã có đến 7 chiếc cần: Ba cái phía mũi và 4 phía lái. Theo Cường là nước đang đẹp, chắc là một tẹo nữa cá sẽ cắn. Chúng tôi chia làm hai phe, phe mũi có tôi và Cường còn phe lái có Tuấn Anh và Phi, một lúc sau thấy Cường gạ: “Bên nào lên cá trước sẽ được chiêu đãi 1 chầu cà phê nhé?”, chưa dứt lời thì Cường giục tôi thu dây vào vì đã có cá, tôi nửa tin nửa ngờ cố sức thu dây, nặng lắm vì chì to, nước sâu và chảy xiết. Ngoài cảm giác như đang quay một cục gạch không có biểu hiện gì là cá cả nhưng Cường vẫn luôn miệng khẳng định là đã dính, cần phải đề phòng vì bông lau nó theo cho đến gần mặt nước rồi mới bất ngờ phản ứng. Quả đúng như vậy, đã nhìn thấy một chiếc đuôi màu vàng hơi giống đuôi cá mập nổi lên mặt nước, cả nhóm đồng thanh: “Ô đuôi vàng, con đầu tiên”. Thu thêm được một đoạn nữa thì con bông lau bắt đầu phản ứng, nó giật mấy cái liền khiến tôi vừa lo vừa run lên sung sướng, một cảm giác mới mẻ xâm chiếm toàn bộ tôi và chình nó đã làm tôi mụ đi trong chốc lát. Đúng lúc ấy một chiếc vợt màu xanh đã được ai đó luồn xuống phía dưới con cá và nhẹ nhàng đưa nó lên thuyền. Ô, thế là mình đã câu được bông lau - con bông lau đầu tiên trong đời.
 


Ảnh: Con bông lau đầu tiên trong đời

Giống như cá ngạnh mà tôi thường câu được ở đầm, con cá bông lau cũng có ba cái ngạnh cực kỳ sắc và độc, theo anh em cảnh báo nếu để nó đánh đúng bất kỳ chỗ nào thì cũng phải lên bờ để nhập viện. Có lẽ dòng giống bông lau va chạm với lưỡi câu quá nhiều nên các ngạnh của nó cũng giống với chiếc lưỡi câu, đã đâm vào là không kéo ra được. Trong số những con cá anh em ưu ái gói để tôi mang về thưởng thức có một con bị bạn của nó đánh cho một đòn, lúc mổ con cá cô em tôi nhờ tôi nhổ ra giúp mà phải dùng đến kìm mới rút ra được. Các cần thủ có kinh nghiệm thường mang theo một chiếc kìm bấm, việc đầu tiên sau khi câu được bông lau là họ dùng kìm để bẻ ngay ba chiếc ngạnh sau đó mới cho vào thùng.
 


Ảnh: Con đầu tiên của Cường


Ảnh: Con đầu tiên của Phi

Thời điểm buổi sáng nước chảy rất mạnh ra phía biển, tôi tự mắc mồi quăng ra xa và chỉ 5 phút sau đã lên con thứ 2. Xét về lý thì con này mới thực sự là do tôi câu được bởi vì con thứ nhất tôi chỉ làm có mỗi một động tác là kéo nó lên bờ. Anh em cũng bắt đầu lên cá, trong khoảng nửa tiếng chúng tôi đã câu được đến gần 2 chục chú, cá ở giọt này (anh em gọi đùa là Ao nhà) không được to lắm, khoảng dưới 2 kg/con nhưng rất nhiều. Có lẽ Tuấn Anh là người ít hào hứng nhất khi nhìn thấy cá bé, được một lúc TA không câu nữa mà vào khoang ngồi, tôi cũng không câu tiếp mà ngồi quan sát Phi và Cường. Cứ được một lúc thì lại có cá, có khi thì dây câu mắc phải cành dừa nước hoặc một bịch ny lon. Đến trưa thì nước chảy chậm dần, chiếc ghe trỏ lên giật lắc dữ dội. Sóng rất mạnh và lung tung khiến tôi bắt đầu chao đảo, anh em đã cảnh báo tôi về tình trạng này: Nếu nước chảy xiết thì dù sóng có to cũng không đáng sợ vì nó chỉ làm cho thuyền chúi lên chúi xuống. Dễ say nhất là lúc nước chuẩn bị đứng lại và đổi dòng. Tôi đã từng đi bằng tàu ra Bạch Long Vĩ, sóng ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ lớn lắm và tôi đã từng bị say trong chuyến đi đó, còn ở đây thì chưa đến mức như vậy nhưng cũng nôn nao.
 


Ảnh: Cơm trên ghe

Tranh thủ lúc nước kém chúng tôi ăn cơm, ba con bông lau nhỏ nhất được chế biến thành một nồi canh chua đơn giản nhưng ngon tuyệt. Phải nói bất kể là cá gì nhưng nếu được ăn trong lúc còn tươi nguyên đều rất ngọt và thơm. Đám bông lau chúng tôi câu được vừa từ biển đi vào sông nên vẫn chưa có mỡ, chúng thuôn dài rất đẹp và thịt thì rất ngon. Từng khoanh bông lau trắng dưới tác dụng của nước sôi nở phồng lên để rồi tan biến trong 5 cái dạ dày đang đói đem lại vị ngọt và rất nhiều dưỡng chất.
 


Ảnh: Cá của Tuấn Anh trên mặt nước.

Đến chiều thì nước lại chảy xiết theo chiều ngược lại, chúng tôi lại ra cần. Tôi làm nhiệm vụ thông báo số cá câu được bằng tin nhắn cho một số anh em quan tâm. Liên tiếp lên cá, có những lúc 3 chiếc cần đều có cá, có những lúc phải giật đóng một cần rồi để xuống với tay giật một cần khác rồi mới thu dây. Chúng tôi đang mải mê với cá thì xảy ra một chuyện bực mình: Không biết từ đâu một chiếc ghe do hai vợ chồng điều khiển thả một đoạn đây câu hàng trăm mét sát ngay chỗ chúng tôi đang câu. Nếu chúng tôi tiếp tục câu ở đó chắc chắn sẽ mắc phải dây câu của họ. Đây không phải là một hành động vô tình mà là có chủ ý, thái độ vênh vênh thách thức của ông chồng tố cáo điều đó. Tuấn Anh nói với chủ ghe: “Bác nhổ neo, để sâu khoảng 4 – 5 mét chạy giữa hai cái phao đỏ kia một đường đi!”, sau đó tôi thấy Tuấn Anh cười buồn bã và nói thêm: “Nói thế thôi, mình đi câu cho nó vui chẳng nên cay cú làm gì, thôi cập bến nghỉ một lúc tí nữa đi đánh cá sủ”.
 


Ảnh: Kẻ phá đám

Chúng tôi vào bờ, lúc này nước đã lên khá cao nên có thể cho ghe cập vào bến chính. Từ chỗ đó đến quán cà phê chỉ khoảng 100 m, chúng tôi nghỉ ngơi uống cà phê và mua thêm một viên đá, chuẩn bị chờ mong một đêm tốt lành sẽ đến.
 


Ảnh: Bến chính của dân câu.

(Còn nữa)

Nguyễn Tiến Thắng

Các tin khác cùng chuyên mục
Lý nhơn - đi "PHÊ" về nhớ (Phần 2) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:46:45 CH
Lý nhơn - đi "...Phê" về nhớ - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:45:49 CH
Xôn xao sóng nước Lý Nhơn (Phần III) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:41:08 CH
Xôn xao sóng nước Lý Nhơn (Phần II) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:31:47 CH
Đảo Tím (Phần V) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:31:05 CH
Đảo Tím (Phần III) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:30:14 CH
Đảo Tím (Phần IV) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:27:20 CH
Xôn xao sóng nước Lý Nhơn (Phần I) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:26:22 CH
Đảo Tím (Phần II) - Cập nhật lần cuối 25/05/2009 11:25:48 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.