Bờ hồ ký sự

Mà riêng tư thật, vì đôi này chẳng buồn ngó quanh xem có những ai, cũng như mấy ông già bà cả cạnh đó không thèm biết có họ. Việc ai, nấy làm, thế thôi.

Nhưng, kiểu này mà lọt vào tầm ngắm mấy anh “cờ đỏ” (lực lượng an ninh trật tự, mặc áo xanh, tay đeo băng đỏ) thì anh sẽ quát cho bẽ mặt, sau cú “huýt” còi thật lớn.

Diễm phúc cho cuộc tình hớ hênh đó, vì cách không xa, hai “cờ đỏ” còn đang mải tâm tình với một thiếu nữ xinh đẹp. Nói theo ngôn ngữ bình dân, hai anh đang ... tán gái.

Quả là đã có sự thắng thế của ngôn ngữ bình dân. Nó len lỏi từ vỉa hè vào sau cánh cửa gia phong, từ ngoài chợ vào công sở. Quá đà đôi chút, thì người ta tự khoác lên vai nhau cái áo trạng sư bằng một câu rất ... hợp tình hợp lý: thô mà thật.

Nói xa rồi lại nói gần, chẳng riêng gì bình dân, người Hà thành đã quen cách gọi Bờ Hồ thay cho mấy tiếng mỹ miều: hồ Hoàn Kiếm, hồ Lục Thuỷ, hồ Gươm,...

Cái sự đắc thắng của bình dân biểu lộ ra bên ngoài bất quá cũng chỉ như vẻ mặt của bà già có đôi mắt giảo hoạt vừa bán được chiếc quạt giấy với giá 1 đôla (khoảng gần 16 ngàn đồng Việt Nam). Ngoài chợ, người ta bán nó cho bà - một công dân Việt Nam thứ thiệt - với giá 500 đồng.

Ký giả bắt chuyện cùng một thợ ảnh tên Tùng – chàng thanh niên 23 tuổi với cặp kính cận, dáng vẻ thư sinh, và khuôn mặt đen nhẻm vì những năm tháng rong ruổi quanh hồ.

“Cách đây mấy năm, hồ này cũng lộn xộn lắm. Nghiện hút, mại dâm, trộm cắp vật vờ suốt đêm ngày. Đánh giầy với ăn xin thì nhan nhản”, Tùng vừa chỉnh cái ống kính, vừa kể. “Giờ thì công an làm ngặt, lại có thêm đội “cờ đỏ” tuần tra cả ngày nên không biết chúng dạt đâu hết, chắc là sang hồ Ha-le (tức hồ Thiền Quang - KG) hay Hồ Tây”, Tùng nói tiếp.

2. Giăng câu

- Thả câu xuống hồ ...

Ấy là cái thú phong lưu của khoảng trên chục quý ông nhà gần hồ. Nói phong lưu là bởi trong khi thiên hạ đầu tắt mặt tối lao như con thiêu thân vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, thì các ông xem như chẳng cần biết. Sáng thả câu, trưa về ăn ngủ, chiều thả câu, hết một ngày.

Quý vị có dịp vãn cản Bờ Hồ, sẽ thấy vài ông trung tuổi quần soóc áo phông, ngồi hút thuốc trên mấy bục đèn sát mặt nước, mắt đăm chiêu mặt hồ - đích thị là dân câu

“Toàn dân quanh đây cả. Đi câu chơi chứ ăn thua gì, nhiều hôm cả buổi về không” - người đàn bà có thâm niên bán nước cạnh hồ tên là Chiến cho biết. “Họ thiếu gì tiền, thèm ăn cá thì ra chợ. Anh tính, nhà hai ba tầng, tầng một cho thuê, tháng thu 10 – 15 triệu, tiêu gì cho hết”, bà Chiến vừa nói vừa chỉ tay về phía một dân câu cách đó vài chục thước. Những người khác thì đã có vợ hoặc con chu cấp, chẳng có việc gì làm thì đi câu cho đỡ buồn - vẫn theo lời bà hàng nước.

“Phong lưu như thế, nhưng nhiều lúc cũng phải cong đuôi mà trốn cờ đỏ” - một người đàn bà luống tuổi khác kế đó xen vào câu chuyện với tiếng cười khanh khách, “mấy bố ấy “nhẵn mặt” nhau rồi”.

Ký giả có dịp chiêm ngưỡng đồ nghề của một “câu thủ” (dân câu) tên Phi. Lưỡi câu được thiết kế dạng chùm, gồm khoảng chục chiếc lưỡi buộc chụm lưng vào nhau, phần móc câu hướng ra bốn phía, gần giống như chiếc mỏ neo. Dây câu là sợi cước màu đen, cuộn quanh một ống hình trụ. Đồ nghề như thế, rất thích hợp với lối “đánh du kích” của câu thủ: ngó trước ngó sau, quăng lưỡi xuống hồ, gài cuộn dây vào chân trụ đèn, rồi cứ thư thái ngồi ngắm nghía con phao nhỏ xíu lập lờ chen lẫn lá cây trên mặt nước.

Với lưỡi chùm, mồi câu thường là cơm nghiền nát, dính vào lưng lưỡi, còn với lưỡi đơn, dân câu dùng giun đất. Và rồi chiến lợi phầm sau mỗi chuyến câu lén như thế là một vài con cá hồng (giống cá đầu màu đỏ) hay cá chép.

“Hôm kia ở cửa cống, tóm được một con chép hơn 8 lạng đầy một bụng trứng”, một câu thủ hồ hởi khoe với các chiến hữu. Thỉnh thoảng, câu thủ còn xách về từ hồ chú rùa đầu đỏ, “loài rùa to bằng con ba ba, dân Hà Nội mua từ Nhật hay Trung Quốc gì đó, không thích nuôi nữa, đem thả xuống hồ” – “nhiếp ảnh gia” Tùng giải thích.

Có câu thủ không thích “đánh du kích” thì vác cả cần ra hồ, nhưng cũng chỉ dám mon men đôi lúc, nhân khi “cờ đỏ” còn bận ngủ trưa hay tán gẫu đâu đó. Thư thái như ngoạn cảnh và hồi hộp như ú tim – có phải đó chính là điểm hấp dẫn của “giăng câu trộm”?

- ... và thả câu bên hồ.

Khi người ta không còn hứng thú với câu cá, họ đi ... câu người.

Một thanh niên ăn mặc hơi “bụi” tiến về phía “ông Tây” đang ngồi nghỉ trên ghế đá. Anh ta tự tin bắt chuyện, lan man đủ thứ như đã quen biết từ lâu. Sau cái bắt tay và giới thiệu tên là “màn” xin số điện thoại và địa chỉ E-mail. Kẻ nhập vai thân thiện đó là một “câu thủ” trên cạn, sống bằng “nghề câu Tây”.

“Cái bọn chuyên đi “chài Tây” thế mà sướng” – Tùng nhìn về phía câu thủ vừa giăng mồi thành công (bước đầu), “chỉ cần giỏi tiếng Anh, không cứ phải xinh gái hay đẹp trai, bám gót bọn Tây, giới thiệu đây đó, chỉ cho “bọn nó” vài điểm ăn chơi, nghỉ ngơi là có “đô” ngay”.

Không dừng lại ở đó, nhiều câu thủ kiểu này (cả nam lẫn nữ) còn biết cách biến “con mồi” thành vị Mạnh Thường Quân cho riêng mình, tháng tháng gửi tiền về cho tiêu xài. Ký giả lấy làm lạ, người Tây chi tiêu kế hoạch lắm, đâu dễ móc hầu bao họ vậy, Tùng hào hứng: “Thế bọn nó (câu thủ cạn – KG) mới tài chứ. Em biết có “bà” chồng con đầy đủ, vẫn ra đây “chài Tây”, chẳng mất gì, lại có tiền đem về cho gia đình”. “Anh có biết ngày mới ra xe Suzuki Viva, cả Hà Nội chưa ai kịp mua, thì một thằng “chài Tây” đã vi vu quanh hồ rồi. Nó mua được nhà bằng tiền Tây cho đấy” – Tùng nói tiếp.

“Cái này thì có thể lắm” – anh bạn đi cùng góp chuyện. “Tôi có thằng bạn tốt nghiệp khoa tiếng Anh Viện Đại học Mở Hà Nội, vất vơ vất vưởng chưa kiếm được việc làm, tạm đi “gai” (guide), chẳng biết nó làm thế nào quen được một tên người Đức, về nước rồi mà thỉnh thoảng lại gửi tiền cho”, anh này chép miệng, “chắc cũng giả nghèo giả khổ gì gì đó thôi, hoặc vờ xin xỏ từ thiện”.

3. Kiếp phù du

Bà già bán quạt đó đã có trên 20 năm sống lay lắt quanh Bờ Hồ.

“Bà quê Nam Định, con cháu còn ở quê cả. Năm nay 69 tuổi rồi, già rồi, không gồng gánh được nữa, còn biết đeo túi vải bán quạt giấy cho khách. Sang đông lạnh thì bán trà nóng”, bà già vừa nói, vừa nhai miếng kẹo cao su vừa xin của một ông Tây. “Hai nghìn thịt, năm trăm rau, thêm một nghìn cơm, thế là xong bữa, cô Chiến nhỉ?”, bà quay sang người bán nước.

Im lặng một lúc, bà lại quay sang ký giả: “Hôm trước, có anh con trai qua đây tự dưng chào tôi, lại hỏi xem tôi có nhớ nó không. Nó nói tôi mới biết, thằng này ngày xưa lem luốc bẩn thỉu, chuyên nằm ngủ ở ghế đá. Tôi thương hại, bảo nó xách cho mấy phích nước, rồi mua cho cái bánh mỳ ăn. Sau nó bỏ đi công nhân ở Cao Bằng hay Lạng Sơn gì đấy, giờ về đã một nách 3 con. Nó còn bảo bà thích ăn khoai, cháu mang biếu hẳn một tạ...”

Câu chuyện bị ngắt ngang chừng vì bà già lại nhổm dậy bám theo một nhóm khách nước ngoài đi qua.

Bà hàng nước lấy vỏ chanh chà chà lên miệng cái cốc nhựa từ tay khách hàng là một cô bé gầy nhỏng như đứa nghiện hút. Khiếp hồn về cách “làm vệ sinh” ấy, ký giả đành gọi một cốc nhân trần đá chiếu lệ mà không dám uống.

Bà tướng số thôi vỗ vỗ vào cái radio tậm tịt lúc nghe lúc không...

Hàng nước cũng thôi “làm vệ sinh” cái cốc nhựa...

Một “cờ đỏ” khệnh khạng bước tới. Khuôn mặt của đám bình dân đều cố nặn ra một nụ cười: “Hôm nay làm sớm thế, mới nửa chiều mà”

“Cờ đỏ” mặt lạnh như Bao Thanh Thiên, cứ đứng ngúng nguẩy cạnh cái làn nhựa đựng thuốc nước của bà Chiến. Bà này vội vàng rút ra một điếu Vinataba, “cờ đỏ” điềm nhiên đón lấy, châm lửa rít rồi lại khệnh khạng bước đi, để lại đằng sau nụ cười heo héo của hàng nước vừa “thất thu” 500 đồng.

Với hàng nước “cơ động” kiểu này, thu nhập của bà Chiến không quá 20 ngàn đồng/ngày, thua hẳn bà già bán quạt và mấy gánh hàng hoa quả. “Tính cả cái quạt vừa rồi thì từ sáng đến giờ, bà ấy đã có 3 đô. Bọn hàng hoa quả rong cũng lời lắm, một xiên dứa (1/4 quả - KG), chúng nó bán với giá 1 đô, cả quả dứa gọt sẵn, giá 3 đô”, bà Chiến ngậm ngùi bàn về thu nhập của các “chiến hữu”. Tất nhiên, bán cho Tây mới được cái giá ấy, nhưng thời gian gần đây thì khó ra nhiều, cũng bởi Tây đã bớt “gà rớ”, và đa phần khách là “Tây ba lô”.

Tùng gượng cười khi tôi hỏi cậu về thu nhập: “Xung quanh hồ, có khoảng trăm hai (120 – KG) thợ ảnh, rải rác các khu vực. Mé này có em và bốn người nữa, thành một hội. Các hội không xâm phạm “đất” của nhau. Mấy năm trước còn làm ăn được, nhưng giờ thì chán lắm, ngày chụp được năm, bảy kiểu là may”. Theo Tùng, khu vực “màu mỡ” nhất là gần và trong đền Ngọc Sơn, có thợ ảnh lâu năm (đến 3 thế hệ làm ảnh), gần như toàn người Hà Nội cả. Giá ảnh dao động từ 7 – 10 ngàn đồng/kiểu, tùy khách có mặc cả hay không.

“Muốn làm ăn ổn định, tốt nhất là vào hội Công đoàn, phí hàng tháng là 30 ngàn đồng, nhưng được cái là không sợ công an hỏi thăm. Như em, ngại làm đơn, đành nộp 50 ngàn đồng cho “cờ đỏ”, mới yên tâm”, Tùng thật thà tâm sự.

Hai thiếu nữ giọng Sài Gòn í ới gọi thợ ảnh, Tùng vụt đứng dậy lao đến.

Bà già bán quạt vẫn kiên nhẫn bám theo một đoàn khách khách du lịch ngoại quốc...

Bà tướng số ngáp dài bên cái radio lúc phát lúc không...

Hàng nước chống cằm nhìn xa xăm, không biết có còn cảm giác tiếc hùi hụi 500 đồng lúc nãy...

Có những cảnh đời như thế đang trôi nổi vật vờ bên “trái tim của thủ đô”.

nguoilangbat

Các tin khác cùng chuyên mục
Âm thanh đa dạng của các loài cá - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:26:56 CH
Cá vược (Chẽm) - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:26:05 CH
Danh sách các loài cá xâm hại - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:22:44 CH
Săn tôm - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:19:23 CH
Nghề câu tôm và tôm luộc nước dừa - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:18:33 CH
Những hiểm họa từ... biển! - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:17:43 CH
Sông đông êm đềm - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:15:39 CH
Câu cá Lăng sông Mã - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:14:40 CH
Câu cá chình - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:12:42 CH
Lươn : Thức ăn và vị thuốc - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 2:11:45 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.