Về đồng câu cá rô đồng

Hồi nhỏ ở quê, năm nào cũng vậy, hễ vừa hết tháng giêng là bọn trẻ chăn trâu chúng tôi lại rủ nhau đi lùng tre nhánh. Cây trúc dùng làm cần câu vừa dẻo, vừa thanh, khi cá dính mồi giật lên là nghe vút một cái bén ngọt, nhưng chúng tôi vẫn thích chiếc cần câu làm bằng tre nhánh hơn. Đơn giản là vì ngọn trúc hơi quều quào, trong khi để câu trong ruộng lúa đang xuân um tùm lá, tốt nhất là dùng loại cần có ngọn cứng cáp, để giữ cho sợi dây câu khỏi lùng nhùng... Tre nhánh chặt về, lấy nẹp ghim xuống đất, coi đoạn nào vẹo vọ thì nắn lại, vít thật chặt rồi chất rơm lên đốt. Chưa đầy một giờ đồng hồ, những chỗ cong ấy đã được định dạng lại, thuỗn ra, được ngay chiếc cần câu như ý.

Cuối tháng giêng đầu tháng hai, thường là lúc lúa đang đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng đất. Thời điểm này phù du trong ruộng chưa nhiều, cũng chưa có phấn lúa, mồi khan nên cá thường rất đói, dễ câu. Dắt trâu ra đồng, tìm một cái gò mả to cột dây để đó rồi vác cần đi một vòng thám thính, nghe đám ruộng nào có nhiều tiếng cá quẫy thì dừng lại, thả câu. Tốt nhất là thả câu vào những đường phân rãnh của đám lúa, vì đó là nơi lúa mọc thưa hơn, dễ thả câu và cũng là nơi sâu nhất trong đám ruộng bằng phẳng, nên có nhiều cá hơn. Hồi xưa, thuốc trừ sâu không bị lạm dụng như bây giờ, cũng chưa ai nghĩ ra trò bắt cá bằng xung điện, nên cá rất nhiều. Chỉ sau vài cú nhấp, đã thấy sợi dây cước căng lên, cá đã cắn câu... Sau một buổi thả trâu, những đứa có "tay sát cá" thường mang về 2-3 xâu cá rô dài ngoẵng; đứa ít cũng được mươi con, đủ để làm dậy lên mùi thơm ngậy cho mâm cơm lam lũ. Mẹ tôi thường bảo "siêng đi tát, nhác đi câu, muốn mau đầy bầu xách nhủi đi nhủi", vừa để "tổng kết" kinh nghiệm bắt cá, vừa có ý... xem thường hiệu quả của việc câu. Nhưng trong thời gian lúa còn đứng cái, hễ thấy tôi vác theo cây cần mỗi khi dắt trâu ra đồng, lại không thấy bà đọc câu ấy, mà ngược lại, còn nhìn tôi bằng ánh mắt hài lòng, khuyến khích, động viên...

Nhưng khi lúa bắt đầu trổ thì việc câu cá rô ở ruộng không còn dễ dàng như vậy nữa. Phấn lúa rụng trắng mặt nước, cá ăn không hết, còn mơ tưởng đến những món mồi khác làm gì!... Nhưng bọn trẻ chăn trâu chúng tôi vẫn cứ thả câu. Vì tin chắc rằng trong đàn cá kia thế nào cũng có con thích mồi lạ, (cũng giống như bây giờ một số người có tính mà thiên hạ gọi là "chán cơm thèm phở" đấy thôi). Quả nhiên, vẫn có nhiều con cá chịu đớp mồi. Và, có vẻ như hầu hết những con dính mồi, trước đó đã ăn rất nhiều phấn lúa nên căng mẩy, mập phởn. Một buổi câu lúc này thường chỉ được dăm bảy con, nhưng quy đổi chất lượng thì chắc cũng ngang bằng với cả xâu cá câu được khi lúa còn con gái, vì độ này con nào con nấy vừa mập, vừa mềm, vừa béo... Nướng trui thì hơi tốn lửa tốn than, nhưng bỏ chảo chiên xù thì lợi dầu là cái chắc.

Ruộng khi xưa lúc nào cũng sẵn cá. Trẻ con chăn trâu đứa nào cũng sẵn cần câu. Trong nhà, lúc nào cũng sẵn hũ mắm cái, bên ảng nước đã có bụi gừng, còn cây ớt hiểm ở góc sân đã lúc lỉu trái tự lúc nào... Tất cả đã chờ đợi, đã sẵn sàng cho những cuộc "gặp gỡ" nồng nàn vị quê, vị đất trên mâm cơm nhà nông... Xưa là thế, còn bây giờ ? Hiếm thấy ai vác cần ra đồng câu cá rô, mà cũng còn cá nữa đâu mà câu(!?). Ruộng vẫn tốt tươi sắc lúa, đồng vẫn ăm ắp nước, nhưng đã thiếu vắng một thanh âm gì rất đỗi thân quen. Phải rồi, tiếng quẫy của cá rô đồng, ngắn, giòn và có phần... rạo rực!...

Tác giả: thientuongnt

Nguồn:tuoitredatquang.com

Các tin khác cùng chuyên mục
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.