|
Xuất hiện loại mực bạch tuộc gây chết người
Từ những cái chết thương tâm
Anh Trần T. ngụ tại thành phố Phan Thiết sau mẻ lưới đánh cá, thấy trong đó có con mực bạch tuộc anh đem luộc ăn thì trong người khó chịu, môi miệng tê, chóng mặt. Biết bị ngộ độc nhưng vì tàu đang đánh cá ở khơi xa nên khi cập cảng Phan Thiết anh đã chết. Gia đình cháu Nguyễn Ngọc H. ngụ ở phường Hưng Long thì cả nhà đều ăn, vừa ăn xong mọi người đều thấy triệu chứng chóng mặt, môi miệng tê rần và cả nhà phải đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Riêng cháu H. do ăn quá nhiều mực bạch tuộc nên đã chết trên giường bệnh mặc dù được các thầy thuốc tận tình cứu chữa. Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc do ăn phải mực bạch tuộc 10 vụ, làm chết 4 người. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương đã lên tiếng cảnh báo về loại mực bạch tuộc này, người dân càng thận trọng hơn khi sử dụng nó trong chế biến thức ăn. Tuy nhiên, ở một số vùng ven biển các huyện, thành phố do thiếu thông tin nên vẫn còn có người sử dụng, một phần cũng vì chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của độc tố trong loài mực bạch tuộc đó và bỏ đi thì tiếc nên lấy chế biến thức ăn (phổ biến là luộc). Dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc như con số đã nêu.
Độc tố TETRODOTOXIN
Trước tình hình ngộ độc liên tục xảy ra trên địa bàn, Trung tâm y tế dự phòng Bình Thuận đã gởi 4 mẫu mực bạch tuộc ra Viện Pasteur Nha Trang và đã nhận được kết luận: Trong 4 mẫu mực gởi đến có 1 loại gọi là mực bạch tuộc đóm xanh. Đây là loại bạch tuộc có đóm hình tròn, màu xanh ở thân, tên khoa học là Hapalocgleana, tên tiếng Anh là Buc - Ninged Ocopus (Bro) sống trong các rạn đá, vỏ sò - ốc bị chết ở vùng nước nông thuộc khu vực giữa Ân Độ Dương - Tây Thái Bình Dương. Đầu năm 2001, chúng xuất hiện nhiều ở vùng biển Bình Thuận. Loài bạch tuộc này có chiều dài từ 6 - 20cm, có 8 vòi, trọng lượng khoảng 50g, màu sắc trở nên sặc sỡ khi bị kích động hoặc chuẩn bị tấn công. Khi đó, chất độc của chúng bài tiết vừa tự vệ vừa tấn công. Chất độc tự nhiên này gọi là Tetrodotoxin. Đây là độc tố gây nguy hại hệ thần kinh ở người. Loại độc tố này được phát ra từ tuyến nước bọt của mực bạch tuộc. Theo các nhà khoa học ở Mỹ cho biết: Một con mực bạch tuộc 25g, có tuyến nước bọt 300g, lượng độc tố đủ gây chết 10 người có trọng lượng 75kg.
Chất độc ở mực bạch tuộc đóm xanh rất nguy hiểm, nó vừa gây hại cho tính mạng khi ăn phải chúng mà cả vết cắn bằng hàm kitin sắc như mỏ vẹt của chúng gây tổn thương ở da cũng làm ảnh hưởng lớn đến con người, đặc biệt là trẻ em và người ốm yếu. Khi bị nhiễm độc, nạn nhân sẽ khó thở, các cơ hô hấp bị liệt dẫn đến suy hô hấp, da tím tái, mất máu, huyết áp hạ thấp. Lúc ấy, độc tố Tetrodotoxin phong tỏa bế bơm natri làm biến dạng tế bào hồng cầu, liệt cơ vận động, gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 20 phút sau đó.
Thay lời kết
Những ngày cuối tháng 9, dạo một vòng quanh các chợ ở Phan Thiết vẫn thấy bày bán các loại mực bạch tuộc và vẫn thấy có người mua. Hỏi 1 chị đang trả giá một rổ mực bạch tuộc khoảng hơn 1kg với giá 4.000 đồng có biết ăn loại mực bạch tuộc có thể bị ngộ độc không? Chị cười: Đâu phải con nào cũng ăn trứng cá nóc?!!! Chứng tỏ người tiêu dùng vẫn biết ăn mực bạch tuộc có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng cứ kệ cho may rủi. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về thực trạng trên, để tránh những cái chết đáng tiếc tiếp tục xảy ra.
Theo TC SK&ĐS
Các tin khác cùng chuyên mục
|
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
|