Cá Lóc bông Thái Lan - đi cho biết đó biết đây(1)...

CÁ LÓC BÔNG THÁI LAN

ĐI CHO BIẾT ĐÓ BIẾT ĐÂY...

Tác giả: Nghiêm Cẩm Vân

Gần đây, nhiều cần thủ VN mà tôi quen biết có vẻ rất hứng thú với việc sang Thái để so tài câu kéo với người bản xứ, làn sóng di dân này quá mới nên chưa rõ họ có thực hiện được di ngôn của Tổ tiên là Đem chuông đi đánh xứ người, đánh cho đáo để cho người biết tay hay không ??? Thôi thì chuyện hơn thua đó để hạ hồi phân giải. Còn trong giới hạn bài viết này, tôi xin làm người viết rong gửi tới các bạn những thông tin thiết thực cơ bản nhất về mảng câu cá Lóc Bông Thái Lan, nhất là câu bằng mồi giả. Bởi với tôi, câu Cá Lóc Bông Thái Lan là 1 câu chuyện thú vị mà tôi nghĩ cần thủ nào không biết coi như phí nửa cuộc đời, còn tôi không kể ra được thì tiếc cả cuộc đời :-). Hy vọng với những gì nghe được từ bạn câu địa phương và 1 ít kinh nghiệm vặt vãnh của bản thân khi câu cá tại Thái có thể giúp các bạn được chút gì chăng, chỉ mong đời không chê trách!

Như người Việt, người Thái rất chuộng các món ăn từ Cá Lóc (tiếng Thái là Pla-Tjon, tiếng Anh là Dwarf Snakehead Fish), nhưng có 1 giống cá Lóc không dùng để ăn (bởi thịt tanh, vị nhạt) mà vẫn khiến thiên hạ đổ xô đi săn bắt chúng mỗi khi vào mùa... chính là bọn Cá Lóc Bông (tiếng Thái là Pla-ChaDoo, tiếng Anh là Giant Snakehead Fish). Chỗ này tôi ghi rõ tiếng Anh và Thái để các bạn dễ hiểu và dễ diễn tả với người bản xứ (tiện thể lên mặt chút, ai dám xem thường cần thủ Việt Nam không biết ngoại ngữ nào???!!! Tớ ném gối cho vỡ đầu) :-).

Cá Lóc Bông và cá Lóc

Trước khi khăn gói quả mướp từ Nhật sang Thái, tôi đã dò la tin tức đôi chút về hoạt động câu kéo ở đây và bị những câu chuyện về câu cá Lóc ở đất nước chùa vàng này hấp dẫn ngay lập tức.

Nghĩ cũng lạ, vạn vật trong trời đất muốn chiếm được cảm tình thiên hạ đều phải có chút duyên ngầm kiểu dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi như hoa phải thơm, bướm phải đẹp, người phải khéo... vậy mà Cá Lóc Bông Thái Lan hút hồn cần thủ bốn phương bởi tính ngổ ngáo của chúng qua lối săn mồi hung hãn, cách táp mồi táo tợn, kiểu giằng co dữ dội khi bị mắc mồi và sự trả đũa1 mất 1 còn ngay cả khi đã bị tóm cổ khỏi mặt nước ... Tôi lang thang online chỉ 1, 2 buổi chiều mà nhặt được cả rổ ngần ấy tính từ bạo lực miêu tả toàn gia lũ cá lóc Bông Thái Lan khiến tôi chưa đến Thái mà trái tim đã không ngủ yên rồi. Trước ngày rời Nhật, tôi không sưu tầm sách vở để phục vụ cho mục đích sang Thái nghiên cứu mà lại ra sức tích lũy quà cáp cho người lớn, cho trẻ nhỏ hòng tranh thủ tình cảm dân chài Thái để được thọ giáo món câu kéo hấp dẫn đến từng milimet này.

Dự định thì đơn giản vậy, nhưng gần 1 tháng đầu tôi nhập gia mà không tùy tục được do sự bất đồng ngôn ngữ, sau cùng tôi tương kế tựu kế kiếm ra cách nâng cấp tiếng Thái rất hiệu quả: Bất cứ khi nào có thời gian là tôi lại chạy ù ra ngoại ô Bangkok khu vực nhiều sông, hồ, đầm lầy như vùng BungSamLan, BangNa, SaMutPraKarn... để vừa câu cá, vừa thực tập tiếng Thái với bạn câu địa phương. Từ cách học mà chơi, chơi mà học này, điều tuyệt vời nhất mà tôi thu hoạch được ngoài vốn tiếng Thái phong phú, là kinh nghiệm câu cá thú vị và những người bạn Thái hiền hòa, thân thiện. Cần thủ Sopak là 1 trong những người bạn Thái mà tôi thân nhất. Anh kể nhiều câu chuyện về sông nước Thái Lan và chỉ cho tôi nhiều kinh nghiệm câu kéo của người Thái rất nhiệt tình. Nhờ có anh mà tôi mới viết được THỰC ĐƠN MÓN CÁ LÓC BÔNG dưới đây mời quý khách chiếu cố nếm thử (nếu vừa ý xin cứ tự nhiên download. Miễn phí! Miễn phí! ).

LƯU Ý VỀ DỤNG CỤ CÂU: Như khi câu các loại cá khác, dụng cụ câu Cá Lóc Bông cũng gồm 4 món cơ bản nhất là Cần, Mồi, Dây và Tay quay. Tuy nhiên, lũ thủy quái này rất cá tính (chỗ này hiểu đại khái là tính... của cá cũng được:-)) nên có những khác biệt cần nhận biết rõ để chọn được dụng cụ phù hợp.

*Cần:

Megabass Evoluzion F5-510Xgti

Megabass Evoluzion F5.1/2-68XFti

+ Trọng lượng và độ bền: Cần câu cá Lóc Bông nhất thiết phải thỏa mãn 2 điều kiện: Nhẹ (bởi rê cá Lóc Bông tốn nhiều thời gian và công sức, nên chọn cần nhẹ để đỡ mất sức vì thao tác quăng ra kéo vào liên tục) và Chắc Khoẻ (bởi cá Lóc Bông thuộc loại cá dữ hàng hiệu :-). Nhớ nghe bạn, khi muốn mua cần để câu cá Lóc Bông thì 2 chữ quan trọng đầu tiên (không phải TIỀN-ĐÂU?, đừng hiểu lầm) mà là NHẸ-CHẮC

+ Độ dài: Với 2 điều kiện trên thì chiều dài cần từ 6 ~ 7 feets là lý tưởng nhất.

+ Độ cong min-max: Độ cong của cần câu cá Lóc Bông hiện nay có 2 tranh cãi, xin mách lẻo lại để cả nhà rộng đường phán xét .

+Cần có độ dẻo lớn: cá Lóc Bông khi bị mắc mồi trốn chạy rất quyết liệt, cần dẻo có lợi thế dìu cá rất tốt, bảo đảm độ uốn cong, duỗi thẳng sát sao với chuyển động trồi lên lặn xuống tìm cách thoát thân của lũ cá này, trợ giúp cho mồi bám riết chúng, nhưng độ dẻo đó cũng là nhược điểm, giúp cá dễ dàng chạy được về hang ổ lôi theo cả mồi lẫn dây. Mà hang ổ của cá Lóc Bông là chốn lau sậy um tùm, cỏ cây tứ phía... sẽ khiến dây cước đang căng bỗng đứt nửa chừng làm cho cần thủ chỉ còn cách giậm chân kêu trời mà tự an ủi thôi đừng héo hon, thôi đừng day dứt...

+Cần có độ cứng lớn: là tổng hợp ngược lại với lợi/nhược điểm của cần dẻo. Nhưng có 1 điểm khác biệt giữa 2 loại cần về cách mất cá ở chỗ: khi dùng cần cứng, cần thủ bị câu hụt không phải do đứt dây (bởi cần cứng có thể khống chế hướng di chuyển của cá về phía chướng ngại vật lau sậy, cây cối...) mà câu hụt do cá bị tuột mồi (bởi cần cứng không đạt được độ uyển chuyển, sự nhịp nhàng tối đa cần thiết cho cuộc kéo co giữa người và cá, trong khi cá Lóc Bông Thái Lan có cấu trúc vòm họng rất đơn giản, hay bị rách miệng, xước thịt... khi vật lộn trong tình trạng cước căng cần cứng, dẫn đến tuột mồi). Vậy nên câu tục ngữ già néo đứt dây có thêm dị bản già néo đứt quai... hàm từ dạo ấy, còn cần thủ thì phải chấp nhận 1 sự thật đau lòng cá mất tiêu rồi, đâu phải bởi mồi câu (việc sao chép bản quyền, xin nhạc sĩ Phú Quang đại xá).

Dùng cần dẻo đã thua, cần cứng cũng không thắng, như vậy độ đàn hồi của cần câu cá lóc Bông không phải là vấn đề mà việc câu được cá hay không tùy thuộc vào Bản lĩnh người câu thời nay như có người tức mình dùng Cần Cẩu để câu, có kẻ tham lam dùng Cần Xé mà hốt, có tên to gan còn dùng Cần Sa để dụ cá mới kinh chứ... (là tôi nghe đồn thế:-)). Riêng với tôi, cần ưa chuộng Chỉ có thể là Mê-ga-bas. Tôi hiện đang sử dụng 2 cây Megabass Evoluzion F5-510XGti và F5.1/2-68XFti , điều tôi thích nhất ở loại cần này là sự phối hợp cả 2 dạng FAST TAPERSLOW TAPER rất nhuyễn trong cùng 1 cây cần nên đạt được độ dẻo vừa phải, độ cứng đủ xài để câu cá Lóc Bông. Các hãng chuyên cần câu dành cho mồi giả khác của Nhật như UFM-UEDA, EVER Green, Angler's Republic hay của Mỹ ... cũng sản xuất 1 số cần casting chất lượng như vàng trên toàn thế giới rất phù hợp để câu loại cá này. Có bạn nào đã dùng thử, xin cho cả nhà biết ý kiến...

*Mồi: Lưu ý duy nhất của tôi với các bạn ở phần mồi: nên sử dụng mồi giả khi câu cá Lóc Bông ở Thái. Lý do còn nóng hổi ngay dưới đây, mời bạn vừa thổi vừa đọc.

Lưõi câu để thay thế

90% mồi giả trị CLB Thái Lan (sản xuất ở Nhật hay Thái) đều có điểm chung: mồi không gắn lưỡi câu cố định và các loại lưỡi câu thay thế có dạng 2,3,4 chấu hoặc có tua (đuôi) giấu lưỡi câu (để tránh vướng)

Dân Thái rất mê cá Lóc nói chung, còn cần thủ Thái vừa mê, vừa tự hào về giống cá Lóc Bông nước họ nên người bình dân thì mày mò, người học cao thì tìm tòi, còn giới chuyên gia về cá thì nghiên cứu hẳn 1 chương trình về tập tính ăn mồi của loài này... Rồi họ phát hiện ra câu cá Lóc Bông bằng mồi thật hoàn toàn không đạt được hiệu quả như mồi giả, nên ngày nay 100% cần thủ chuyên nghiệp Thái (số liệu này không nói thách, đề nghị HNF fans miễn trả giá) nô nức dùng mồi giả câu cá Lóc Bông như Sự lựa chọn của thế hệ mới. Ngoài ra, họ còn rất hãnh diện khi có 1 công nghệ chế tạo mồi giả chỉ chuyên trị cá Lóc Bông mang đặc trưng phong cách Thái với 3 điểm nổi bật dễ nhận ra: Lưỡi câu là loại 3 ~ 4 chấu, phần đầu luôn gắn chong chóng và thân mồi luôn có gam màu tương phản. Để ngộ ra 3 điểm này, tôi đã phải trả giá bằng 1 cuộc nội chiến với người bạn thân Sopak (quảng cáo hồi hộp như Sơn Đông mãi võ để bà con chịu khó ngồi nán lại theo dõi tiếp :-))

E hèm, nghe vẻ nghe ve, nghe vè nội chiến... Đó là 1 ngày (khi chưa biết tí gì về những thông tin vừa kể trên) tôi vui như mở cờ trong bụng khi nghe Sopak tiết lộ 100% cần thủ chuyên nghiệp Thái câu cá Lóc Bông bằng mồi giả. Tuyệt ! Vậy là đúng nghề của nàng rồi. Tôi mê câu cá bằng mồi giả, mê đến độ cực đoan (như lời 1 lão tướng trong làng câu VN từng nhận xét) bởi 1 lý do là... (nói ra mắc cỡ chết, nhưng thôi, có sao nói vậy người ơi): tôi xuất thân gốc chân lấm tay bùn vậy chứ rất sợ đụng tay vào mấy con mồi thật như trùng, dế, hà đỏ... đặc biệt là màn lột da hay tùng xẻo mấy con ếch, nhái (món khoái khẩu của lũ cá Lóc) mà móc vào lưỡi câu đối với tôi thực sự là nhiệm vụ bất khả thi.

Do đó chỉ đợi Sopak kết thúc show kể chuyện em nghe, tôi hớn hở khoe ngay hơn chục con mồi giả 1 hoặc 2 lưỡi câu đơn mà tôi thường dùng để câu cá Lóc Nhật, nào ngờ hắn lướt mắt hững hờ qua số tài sản của tôi mà phán rất ngọt mồi này chắc dùng câu cá lóc được sinh ra từ trứng... cá lòng tong. Oái, sao hắn lại đo ván mình thê thảm thế???!!!

Sopak từ tốn giải thích cặn kẽ 1 số khác biệt (thông tin này về sau tôi so lại trong sách vở thì thấy những nội dung Sopak hướng dẫn quả không sai 1 giọt): cấu trúc vòm họng của cá Lóc Nhật Bản khá phức tạp với nhiều khoang khí và xương giăng (giống hàm của cá Black Bass) cùng với tập tính háu ăn, nuốt vội nên với loại mồi chỉ có 1 hoặc 2 lưỡi câu đơn (tôi đang sở hữu) cũng có thể làm chúng há miệng mắc quai, dính chấu dễ dàng. Ngược lại, cá Lóc Thái có vòm họng đơn giản và nhận biết mồi rất nhạy (nếu là mồi giả, trong tích tắc 1 ~ 2 giây chúng nhả ngay ra), cần thủ chỉ có nước ôm hận nếu lỡ chậm tay giật cần hoặc không dùng mồi có lưỡi câu chỉa nhiều cạnh (loại 3, 4 chấu). Đó cũng là lý do mà người Thái không dùng mồi thật để câu cá Lóc.

Không cãi lí được Sopak, tôi quê độ quá xá nhưng vẫn ráng tiếp thêm vài CC máu hiếu thắng để lấy sức lôi cả chục con mồi giả có lưỡi câu 3 chấu ra cho anh chiêm ngưỡng. Sopak lại lắc đầu “vừa xoay ngang, vừa xoay dọc” hiền lành nói: Mồi câu cá lóc Bông không chỉ có lưỡi câu chỉa cạnh mà còn phải có chong chóng kia.

Chưa tâm phục khẩu phục, tôi giở món võ ngoan cố kiểu Thạch Sùng khoe của, tập hợp hết số của cải có 3, 4 chấu + chong chóng bằng inox sáng lấp lánh của mình cho hắn phải... nheo mắt. Ai ngờ, Sopak vẫn đủng đỉnh: Hàng này không mua chuộc được tụi cá Lóc Thái đâu. có mồi gắn chong chóng phía đầu không?.

Lại còn thế nữa! Tôi sắp nổi nóng vì kiểu được voi đòi Hai Bà Trưng của gã cần thủ Thái Lan này thì Sopak đã từ tốn diễn giải: Cá lóc Bông sống ở cả 2 vùng nước trong và đục nên người Thái rất chú ý về sự tương phản màu sắc trong 1 con mồi giả, cụ thể là thân mồi sẫm, tối thì hoa văn phải rực rỡ hay ngược lại. Màu rực rỡ phù hợp khi câu vùng nước đục, màu sẫm, tối thì bắt mắt chúng ở khu vực nước trong. Còn chong chóng dùng để quấy phá sự im lặng đáng sợ nơi chúng cư ngụ làm chúng khó chịu mà sẽ tấn công con mồi, nhưng rê mồi nhử cá Lóc Bông phải bằng tốc độ nhanh hoặc rất nhanh nên chong chóng gắn phía đuôi khi bị kéo trong nước sẽ thành vật cản, làm giảm tốc độ của mồi, nặng tay kéo của người... điểm này khiến cần thủ dần mất sức. Thêm nữa, cá lóc Bông khi táp mồi có chong chóng gắn ở phía đuôi, chúng sẽ phát hiện ngay là đồ giả mà nhả ra liền, nên loại mồi này vẫn thường dụ được cá nhưng khó câu dính cá.

Trăm nghe không bằng 1 thấy, tôi bướng bỉnh đem mấy con mồi giả thồ bằng máy bay từ Nhật sang thi tài. Trong cùng thời lượng, số cá Lóc Bông thu được từ trận mồi Nhật vs mồi Thái kết thúc với tỉ số 1-3 nghiêng về phía mồi chủ nhà. Đến đây... tôi thúc thủ, vui vẻ xách cần xách vợt theo thọ giáo sư phụ Sopak thêm mấy khóa nữa mặc dù còn chút ấm ức tụi cá Lóc Bông chảnh chẹ: hàng Nhật đẹp tinh xảo thế không thiết lại khoái đồ nội địa Thái hết sức thô sơ, nhưng qua chuyện này tôi nghiệm ra 1 chân lý : đến cá cũng còn yêu nước nữa là... (đất nước ấy, không phải H2O đâu à nghen )!

Dĩ nhiên sau này khi quay lại Nhật, tôi cũng sưu tầm được 1 số mồi giả chánh hiệu Japan hội đủ 3 yếu tố trên, nhưng giá cả thì hỡi ơi... đứt ruột!

*Dây:

- Loại dây: Trong trận đấu với cá Lóc Bông, dây câu được các cần thủ tin dùng (và khuyên dùng) là dây PE (do đặc điểm mỏng, nhẹ nhưng rất chắc, nổi trên mặt nước, chịu ma sát cao).

- Thông số chịu lực: Cá Lóc Bông có hộ khẩu thường trú ở khu vực nước ven bờ, nơi có nhiều rễ cây, bụi cỏ, lau sậy bao quanh... nên thông số chịu lực của dây câu cá Lóc Bông được lựa chọn tùy vào phương tiện mà bạn dùng để câu.

+Khi đứng trên bờ câu xuống: quá trình thả, nhử, kéo mồi hoàn toàn diễn ra trong vùng phủ sóng có nhiều chướng ngại vật chăng ngang mắc dọc kể trên... nên dù cá chưa cắn câu, con mồi của bạn dễ đã quên cả lối về... Vậy ngoài điều kiện chịu ma sát cao, dây câu Cá Lóc Bông (khi cần thủ đứng trên bờ) còn phải có độ bền tương đối đủ sức giật ngã cây, gãy cành để giải cứu con mồi nguy nan. Chần chờ gì nữa mà không dùng dây PE 40~50lb. hả bạn.

+Câu cá Lóc Bông bằng thuyền: Dùng phương tiện này thì khoảng cách từ thuyền đến đại bản doanh của Cá Lóc Bông là 1 vùng trời nước mênh mông, chỉ phần mồi (khi vừa quăng ra) bị đám rong rêu, cây cỏ làm phiền, nhưng sau 2~ 3 vòng quay máy là dây và mồi của bạn đã an toàn ngoài vùng phủ sóng, trong vùng phủ phê, bạn cứ an tâm mà rê, mà kéo, mà mơ mộng câu được con cá cỡ... guinness. Lúc này, dây PE30~40lb. là phù hợp nhất

Thực ra tôi đã gặp 1 số cần thủ thích thử thách đã dùng dây Nylon để câu cá Lóc Bông, họ cũng câu được nhưng thường là cá khoảng trên dưới 4 ký mà thôi, gặp cá >5 ký thì... đứt cước! Dây PE so với dây Nylon khi câu các loại cá khác thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, nhưng chọn dây Nylon khi câu cá Lóc Bông là hạ sách. Cùng thông số chịu lực, dây Nylon có lợi thế về giá cả (rẻ hơn dây PE rất nhiều), ngoài ra không có thêm ưu điểm nào khác khi mà kích cỡ to và trọng lượng nặng hơn gấp đôi PE. Bởi ngoại hình không đạt chuẩn mình hạc xương mai như PE nên dây Nylon ảnh hưởng rất lớn đến dáng đi lả lướt của con mồi khi được quăng, gây hạn chế độ xa mà con mồi lẽ ra đạt tới được. Còn dây Carbon là loại dây chìm, tôi cho nó rớt đài ngay từ vòng loại, lý do không cần giải thích, chắc bạn cũng đã rõ.

*Tay quay: Vụ này tiếng Anh gọi là REEL, sang tới tiếng Việt có quá nhiều cách gọi nên tôi chọn cái tên đơn sơ nhất - Tay quay.

(Hình này lấy trộm từ tiệm bán đồ câu online. Suỵt, đừng la lớn!)

Ở phần tay quay, tôi không có gì để dài dòng cả vì tổng hợp những lưu ý ở trên thì Tay quay hợp khẩu với 3 món Cần, Mồi, Dây còn ai trồng khoai đất này hơn anh BAIT CASTING TYPE .

Phù, loay hoay mãi cũng phục vụ xong 4 món Cá Lóc Bông, chắc quý vị đã ngán, thôi thì tráng miệng với NHO vậy. Nho này nhập từ bên Tàu về 3 thùng có hiệu Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa, tôi sẽ cắt (nghĩa) và bày lên... màn hình ngay đây, xin mời xin mời...

(Mời xem tiếp)

Các tin khác cùng chuyên mục
Đầu Năm xuất hành - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:25:39 CH
Cá dầu Đầm Vạc (Vĩnh phúc) - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:24:07 CH
Cô gái biến thành cây xương rồng - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:21:33 CH
Nhìn tường tận 1 cái phao câu tay dùng ở nước ngoài…(2) - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:19:38 CH
Mồi thìa đôi câu cá Lóc (Quả) - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:16:40 CH
Sông Hồng hồi sinh - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:14:44 CH
Nhìn tường tận 1 cái phao "câu tay" dùng ở nước ngoài…(1) - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:12:48 CH
Cá phóng điện - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:10:53 CH
Cá nhím - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:09:17 CH
Bí ẩn trụ sắt không gỉ - Cập nhật lần cuối 19/04/2009 12:07:47 CH
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.