Nghề bắt gián
“Hốt” gián trên từng cây số

Những con gián này đem lại khoản thu nhập 100.000 đồng hằng đêm.

Cứ thế, trên chiếc xe gắn máy cà tàng, từ khoảng 8 giờ tối đến gần sáng, anh “giăng câu” khắp các nắp cống ở TPHCM. Đầu hôm thì ở các đường nhỏ- vắng người, càng về khuya thì ra đường lớn. Anh giới thiệu sơ nét về cái nghề độc nhất vô nhị của mình: “Ngộ không cần tìm đến những con đường hôi hám, rác rưởi, tăm tối vì nơi nào có nắp cống là có gián-từ những con đường sang trọng quận 1, quận 3 cho đến những đường ổ gà ổ voi ngoại thành. Giống như cá, gián cũng lờn mồi và biết cảnh giác, nên sau khi bẫy ở đường nào, cả tuần sau mới quay lại. Vậy mà có đêm “dụ” gần 4 thiên (4.000) gián…”.

Lân la hỏi chuyện, anh mới bật mí nguồn cầu “hàng hóa” của anh chính là… cá bông lau. Hóa ra, gần chục năm trước, các đại gia câu cá bông lau ở bến Bạch Đằng chỉ biết dùng thịt bò làm mồi. Tuy nhiên phải chế biến khá công phu: để miếng thịt hai, ba ngày cho nó lên mùi, rồi còn tẩm thêm ba, bốn vị thuốc Bắc.

Cũng có người dụ cá bông lau bằng miếng mồi dân dã: trái bần chín. Cho đến một hôm, vợ một anh bạn câu “văn nghệ” ở quận 8 mổ bụng một con cá bông lau thì thấy nguyên một con… gián. Mặt xanh mét, toàn thân nổi da gà, buông dao, chị chỉ biết la làng. Nhờ vậy anh chồng mới lóe lên một sáng kiến: móc mồi gián câu giống cá này thử xem sao. Một sáng kiến “vĩ đại” vì thịt bò nhiều lúc không có mà ăn có đâu lại đem làm mồi câu cá. Xem ra chỉ có cá bông lau mới hiểu hết giá trị dinh dưỡng của gián (!).

Anh Bình ở Sài Gòn đã có hai “đàn anh” trong nghề bắt gián. Một người ở chợ Cầu Muối, quận 1, người kia ở Cây Gõ, quận 6 với thâm niên bắt gián ba, bốn chục năm. Cũng như hai vị kia anh xuất thân là dân câu cá “văn nghệ”. Mới 43 tuổi, nhưng anh có 15 năm thâm niên câu cá bông lau, cá lóc.

Cách đây 2 năm anh mới bắt đầu xắn tay vào nghề bẫy gián này. Dân câu cá bông lau cùng trường phái anh ở Sài Gòn thường là các đại gia, ít vị nào có đủ “can đảm” ra các nắp cống để bắt gián. Là dân sành sỏi trong nghề này, anh biết ở Sài Gòn chỉ có hai người “sát” gián, trong khi lượng người đi câu rất nhiều. Vậy là anh nhập cuộc và cạnh tranh với “đàn anh” bằng cách giao hàng tận nơi, giao đủ, đúng số lượng để lấy chữ tín.

Ngày đầu tiên mang gián về, bà con hàng xóm của anh Bình ngụ trong một con hẻm trên đường 3 Tháng 2 (quận 11) xì xào: “Nhà tay Bình hôm nay nuôi gián nhiều lắm. Không biết để làm thuốc hay hắn khùng rồi! “. Những bà bán hàng rong thấy anh cười tươi khi trút một cục gián to bằng nắm tay vào lồng cứ ngỡ anh bị “dở hơi”. Họ không ngờ rằng tiền lời mua gánh bán bưng ròng rã 5-7 ngày dễ gì bằng một đêm anh làm “nghề khác người” này.

Anh phải cố sức giải thích đây là chuyện mần ăn, mong bà con thông cảm! “Gián để trong lồng phải che kín, nếu để lọt ánh sáng vào chúng sẽ dễ chết. Đặc biệt nếu cho ăn chúng càng chết nhanh hơn... Dần dần rồi cả xóm cũng quen mùi gián. Vợ ngộ cùng hai đứa con nhỏ cũng phải ăn, ngủ cạnh với… gián”.

Lụy nghiệp!

Mùa câu cá bông lau rộ nhất là vào khoảng tháng 5- 6 âm lịch. Những lúc này, anh phải đi suốt đêm. Khách đặt nhiều hàng,
Dụng cụ bắt gián của anh Bình. không đủ, anh phải huy động thêm 2 “lính” phụ bắt bằng cách khoán: mỗi thùng 500 con là 35.000 đồng. Bình thường, tùy theo con nước, dân đi câu nghỉ khoảng 5- 7 ngày trong tháng, nên anh tạm gác… câu.

Người biết nghề bảo thế là sướng, chỉ cần chọc que xuống cống là được tiền. Anh lắc đầu “mình còn phải giao hàng tận nơi nữa chớ”. Bắt xong trời đã gần sáng, phải tức tốc cho hàng lên xe giao liền cho các mối trong thành phố- mỗi người năm, bảy trăm con. Còn cách đôi ba bữa là phải giao tận miệt Gò Công, Bến Tre, Đồng Tháp... cho những tay câu cơm gạo, mỗi lần đến 9, 10 thiên.

Có khi, nhiều vị đang câu bỗng hết mồi, “phôn” ngay cho anh. Thế là phải tức tốc chạy đôn chạy đáo, gom đủ hàng, phóng như bay xuống tận các tỉnh. Được cái, có người “boa” thêm 30.000-50.000 đồng, bù vào chi phí xăng xe, nước nôi. Không đi câu hay bắt gián, anh thường sửa chữa, “trang điểm” những chiếc thùng đựng cá cho mối lái để lấy cảm tình.

Nhiều người thấy nghề này dễ ăn, định nối gót. Anh cười hiền: “Bắt thì ai bắt cũng được, nhưng quan trọng là phải có mối mang”.
Nếu đêm đêm, quý vị có gặp một người đàn ông săm soi các ống cống, rất có thể đó là anh Bình -người đi bắt gián chuyên nghiệp, có tay nghề cao...
 
(Báo Sài gòn giải phóng đăng ngày 16/2/2005)
Các tin khác cùng chuyên mục
Luận về mồi câu cá chép - Cập nhật lần cuối 16/06/2009 10:34:36 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.