Thú câu ghềnh

 
Đối với dân câu thì nó là cá đấy.


Lần đầu tiên tôi đến với thú câu ghềnh đá cũng rất tình cờ. Tôi cứ nghĩ rằng câu biển phải là những chuyến ra khơi trên những con tàu lớn với những cây cần “khủng” để đủ sức giằng co với những con cá ngừ, cá thu… to lớn và hung hãn. Nhưng tôi đã nhầm, chỉ ở ngay đây thôi, hòn Dấu, những cần thủ đã làm xiếc với cây cần thật dịu, điều khiển đường chạy của cá, đấu trí với chúng và không phải bao giờ người câu cũng thắng.

 
Nó, nó chính là cá tráp.
Cá tráp, một loài cá rất tinh ranh, có những cú chạy vô cùng ngoạn mục. Chúng không lớn con, trọng lượng khi trưởng thành của loài khoảng 1.0-2.5kg, trên 2.5 kg là loại rất lớn rồi. Loại thường sống ở ghềnh là loại tráp đen, tráp trắng, tráp vằn và tráp vây vàng. Cá tráp vây vàng nhỏ nhất và đỏm dáng nhất trong số đó. Cá tráp đen lớn nhất và hùng dũng nhất, chỉ diềm vây lưng màu xanh tím dựng đứng với cặp môi dày, răng to và trắng hếu cũng đã đủ nói lên sự hùng dũng của nó. Cá tráp trắng cũng to nhưng hơi nhu mì một chút. Câu chúng lên thả vào giỏ một lát là nổi bụng giả chết, nó sống dai nhưng cứ giả bộ vật vờ như thế, chẳng biết tại sao. Cá tráp nhỏ sống thường xuyên ở ghềnh đá cho đến khi đạt đến độ lớn nào đó, chúng sẽ ra khơi, chỉ vào mùa đông chúng mới trở về nơi sinh ra để kiếm mồi và sinh sản.
 
Cá tráp nhút nhát, sợ tiếng động, ánh sáng, những chuyển động bất chợt và các loại hóa chất như xà phòng, nicotin, dầu mỏ…. Khi câu đêm thì không bao giờ được soi đèn xuống chỗ câu nếu không chúng sẽ chuồn hết. Không sử dụng xà phòng, không vứt mẩu thuốc xuống biển, không sử dụng những chế phẩm của dầu mỏ như xăng, dầu, mỡ

Những hôm mù trời, độ ẩm cao, màu nước xanh nhạt, hơi đục và có sóng tương đối lớn, đó chính là thời tiết lý tưởng để câu chúng. Những ngày biển lặng như ao hồ cũng khó có cá, dù màu nước, thời tiết có đẹp đến mấy đi nữa, họa chăng chỉ có lũ tráp vây vàng và song.. Hướng gió cũng vậy, đẹp nhất là gió đông bắc, đông đông bắc rồi đến gió đông, đông nam. Gió tây, tây bắc thì không nên câu mà nên đi nhậu rồi ngủ.

Thủy triều cũng là một yếu tố rất quan trọng, khi nước bắt đầu lên thường chúng đi ăn. Thủy triều lên, chúng sẽ ăn gần bờ hơn, thậm chí về đêm, chúng ăn ngay dưới chân ta, nơi mực nước chỉ 0.5m. Khi thủy triều xuống mạnh (ở hòn Dấu gọi là nước rặc) chúng cũng đi ăn nhưng xu hướng ăn xa hơn và ăn mồi cũng kém hơn. Ở hòn Dấu, trong một tháng có 2 lần đổi con nước, cá thường ăn mạnh vào những ngày đầu con nước và những ngày cuối con nước. Những ngày giữa con nước thường ít cá. Thủy triều hòn Dấu theo chế độ nhật triều, trong 24 giờ 50 phút, thủy triều có một lần lên xuống. Nước nhói lên là khoảng thời gian cá hay đi ăn.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy, nhưng phần lớn theo quy luật đó. Cứ yên trí, luôn có sự bất ngờ khi câu ghềnh ven biển.

Cá tráp nhỏ sống bầy đàn, bơi lội bắng nhắng, linh hoạt. Khi chúng ăn mồi cũng vậy, tranh nhau ăn. Nếu câu không để trượt cá thì có thể câu được cả đàn. Khi đạt kích thước lớn chúng ít sống theo đàn mà thường sống đơn độc (ông chẳng sợ ai mà), ăn mồi cũng điềm đạm, thận trọng.


Cá tráp là loại cá săn mồi nên chúng thường nấp sau chân tảng đá dưới đáy nước, nơi có dòng nước chảy qua chảy lại rình rập những con tôm cá nhỏ vô tình bơi qua. Thực phẩm chủ yếu của tráp là các con ốc nhỏ như hạt gạo nếp, những con hà bám trên đá và các loại tôm cá nhỏ khác. Những phiến đá lớn khi triều lên, sóng đánh trùm qua rồi đổ xuống trắng xóa cũng là nơi chúng thường hóng hớt để ăn những con ốc bị đánh trôi xuống này. Nhờ những đặc tính đó mà khi câu chúng ta phải biết nhìn nhận, phán đoán những điểm thường có cá. Không phải chỗ ghềnh đá nào cũng có cá tráp. Hãy nhìn những xoáy nước để phán đoán dòng chảy, phán đoán kích cỡ của đá. Xoáy nước hình dạng thế nào thì đá ở dưới y như vậy. Xoáy nước tròn đều đẩy xòe ra trên mặt biển thì đá tròn, xoáy dài đùn lên rồi cuộn lộn xuống thí đích thị là vách. Tuy vậy, ở mỗi mức nước, mỗi dòng chảy thì xoáy của chính nó lại khác nhau đấy. Ở mức nước thấp xoáy mạnh, nước cao xoáy nhẹ. Dòng chảy cũng vậy, mức nước này chảy ngược nhưng lát nữa lại chảy xuôi không biết chừng. Biển là vậy. Lần đầu câu ghềnh, chắc chắn bạn sẽ rất hoang mang, không biết câu chỗ nào, cứ thả xuống là mắc hà rồi mất lưỡi, có những chỗ, tốc độ mất lưỡi lên đến 15 chiếc/h. Cứ kiên trì, tập phán đoán qua kinh nghiệm của những người đi trước rồi sẽ biết. Một cách đơn giản hơn là chọn những ngày nước lên cùng xuống kiệt mà đi câu. Khi nước xuống kiệt để ý những hình thế của đá, ghi nhớ vài điểm vách, hõm, khe… khi nước lên cứ ra chỗ đó tập xem xoáy nước và câu vài lần sẽ quen. Tất nhiên, không nên quan tâm quá đến điều đó, hãy chọn một chỗ nào đó vừa ý, dù mực nước nào cũng có những chỗ phù hợp để câu. Đối với những người câu quen với địa hình, bao giờ cũng có những điểm ruột của mình mà anh em Hải Phòng, Hà Nội câu ở đảo thường gọi đùa là “ao nhà”, là “lỗ của mình”. Ao, tức là một khoảng trống có nhiều hố, nhiều khe, nhiều hòn đá nhỏ hơn ở giữa những tảng đá lớn và thưa. Lỗ là những cái hang, hốc dưới gầm đá hoặc khe (kẽ) giữa hai hòn đá và thường là nơi rình mồi của cá song (gọi là lỗ song). Nên chúng tôi cứ căn cứ mực thủy triều là biết được khi nào nên câu ở “ao” ở “lỗ” nào, bất chấp thủy triều lên hay xuống.

Cần câu tráp phải là loại cần dẻo, độ dẻo từ 0.2 đến 2.5 nhưng nên dùng từ 1.5 đến 2.5 là tốt nhất, đề phòng dính khủng. Hơn nữa, cần dẻo nó đem lại cảm giác mạnh và điều khiển đường chạy của cá tốt hơn cần cứng rất nhiều. Dây máy thì nên dùng loại dây 0.35-0.4mm, nổi hoặc lơ lửng nhẹ để đỡ vướng vào hà trên đá ngầm. Dây link mảnh hơn dây máy, độ dài từ 1.5m-2m. Chì bằng hạt đậu xanh kẹp cách lưỡi từ 0.5m, sóng càng to thì khoảng cách giữa chì và lưỡi càng nhỏ làm sao cho con mồi luôn bay lượn trong nước sống động một cách tự nhiên là được. Khoảng cách chì đến lưỡi dưới 20cm hoặc chì nặng thì chủ yếu chỉ câu được cá song. Mồi tôm chết được móc từ đuôi, để nguyên đầu râu hoặc ngắt tùy ý. Tôi thường để nguyên cả đầu và râu, như vậy con mồi trông thật hơn. Lưỡi câu dùng loại Chinu hoặc mahruto hi-carbon cỡ số 3-4 là vừa.

Cá tráp cũng không tuân theo một quy luật nhất định, có thời gian ăn ban ngày, có lúc ăn ban đêm không biết chừng. Câu đêm rất hay được tráp to, nhất là khoảng thời gian từ xẩm tối cho đến 22h.
Tuy nhiên, muốn câu đêm bạn phải thông thuộc địa hình của đảo và điểm câu và điều quan trọng nữa là không sợ ma. Tôi cũng đã có lần gặp ma ở đó.

Đêm hôm đó, tôi ra ao ưa thích của mình để câu, gần chỗ được gọi là “hố bom”. Ngồi từ 8h tối đến gần 11h đêm được một chú tráp khoảng 1.3kg rồi cơn buồn ngủ ập đến. Trở về chỗ tập trung thì xa nên ngại. Thu cần cho gọn rồi trải túi ngủ ra chui vào tính làm một giấc đến 3h sáng dậy câu tiếp. Cũng nhiều lần tôi câu đâu ngủ đấy nên không vấn đề gì. Hôm nay thì khác. Nằm được một lát thấy rờn rợn, cứ nhắm mắt lại là cảm thấy có những bóng đen bò xung quanh. Khu vực này là một vùng trũng nhất đảo, bên cạnh một vách đá dựng đứng, chỉ có một mình tôi ở đó, bị nuốt gọn bởi bóng đêm. Nhìn lên trên triền đảo, cây cối thâm u, bí hiểm. Nhìn lên trời mây đen đè nặng như ập xuống tới nơi, gió thổi ràn rạt. Nhìn ra biển lân tinh xanh lập lòe, sóng biển gầm gừ hăm dọa. Hình như khu vực này có vẻ nhiều âm khí, nằ m đó luôn thấy bất an. Mà cái tối hôm đó cũng thế nào ấy, đứng câu gió lạnh mà trùm mũ lên đầu lại cảm thấy có thằng nào đó rón rén đứng đằng sau. Đúng là “thần hồn nát thần tính” tự nhủ vậy và xua đi những ý nghĩ kỳ quặc, làm rỗng đầu óc một lát rồi bắt đầy thiu thiu ngủ. Bỗng một tiếng rít lên ken két, sàn sạt. Giật bắn mình choàng tỉnh, một bóng trắng nhờ nhờ bay vút qua mặt rồi mất hút vào tảng đá lớn gần đó. Mồm há hốc, cả người cứng đơ như khúc gỗ, muốn kêu cũng không kêu được. Mất hàng phút bàng hoàng như thế, chẳng biết có thở không nữa. Tôi vùng ra khỏi túi ngủ, féc mơ tuya bật ra. Xỏ bừa chân vào ủng, một tay cầm cần với túi ngủ, một tay cầm ba lô. Tôi chạy. Túi ngủ bị kéo giật trở lại. Vứt luôn túi ngủ. Co cẳng chạy tiếp, bước chân chập choạng trên những mỏm đá trắng mờ. Chạy qua tảng đá nơi cái bóng trắng mất hút ở đó mà không dám nhìn. May mà đã quen địa hình nên không ngã. Leo thoăn thoắt lên vách đá qua được bên kia thấy như sống lại. Ngồi phệt xuống phiến đá lớn, nhắm mắt, thở sâu một lát, thấy dần tĩnh tâm trở lại. Ngẫm nghĩ sự việc vừa xảy đến, không biết cái gì bay qua trước mặt ấy nhỉ. Hình như khi đó, có một mùi hơi tanh hôi thoảng qua trước mũi. Chắc chắn không phải chim hay một con vật gì đó rồi. Thôi, đúng rồi, đích thị là con ma cá. Có thể là một con cá chết lâu ngày hóa thành tinh cũng nên. Nhìn lại khu vực âm u bên dưới vẫn thấy hơi rờn rợn....
 
CODEN
 
 
Các tin khác cùng chuyên mục
Một số kiểu thẻo, chì câu tay, câu Tráp - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 5:22:51 CH
Cá Tráp đen và kiểu câu với mồi viên bọc phần IV - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:22:59 SA
Cá tráp Đen và kiểu câu mồi viên bọc phần III - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:18:57 SA
Cá tráp Đen và kiểu câu mồi viên bọc phần II - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:15:56 SA
Cá tráp Đen và kiểu câu mồi viên bọc phần I - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:14:33 SA
Hạ Long! nơi đây mới thực sự là thiên đường - Cập nhật lần cuối 24/05/2009 9:07:48 SA
Website hữu ích
Website liên kết
Mua 1 cần Tenryu, tặng 1 dây Tenryu
 
Diễn đàn câu cá 4so9
 Đồ câu nội địa Nhật bản
Diễn đàn Vietnam Angling
Trang chủ
Thư viện HFC
Video Clip
Thư viện ảnh
Thông báo từ ban chủ nhiệm
HanoiFishing
Diễn đàn
© HanoiFishing.com - Ghi rõ nguồn nếu phát hành lại thông tin từ website này.