Cá mòi bắt đầu xuất hiện vào mùa xuân. Thế nhưng những năm có gió nồm nhiều vào cuối đông, người dân chài đã đánh được cá mòi rải rác từ trong năm. Cá bắt đầu lên rộ khoảng từ rằm tháng giêng sang tháng hai. Cá đầu mùa bao giờ cũng béo, ngon hơn cá cuối mùa. Bởi con cá chưa đẻ trứng, mới lội ngược dòng còn đang sung sức chưa bị tiêu hao cơ thể. Vậy nên những ngày sau Tết, khi ta đã ngấy các loại thịt, bánh chưng, mà được thưởng thức một bữa cá mòi thì thật ngon miệng, thú vị.
Con cá mòi cũng lạ, khi ta mổ cá, trong bụng cá mòi có cái mề, giống như mề của loài chim ngói. Trong dân gian có truyền thuyết kể rằng: Cá mòi chính là kiếp sau của chim ngói. Hằng năm, trời bắt đầu sang mùa thu, chim ngói từ rừng bay về biển và hóa thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau, cá mòi lại từ biển ngược về rừng để làm kiếp chim ngói. Thiên nhiên thay đổi mùa, chim ngói và cá mòi cũng thay đổi kiếp.
Thật ra, mùa xuân loài cá mòi lội ngược dòng sông đó là mùa yêu đương, mùa con cá đến thời kỳ tìm nhau tình tự. Mùa xuân cá cái đầy trong bụng hai buồng trứng, trời bắt đầu ấm áp, con cá đến thì phát dục. Con cá cái phải vượt dòng nước chảy mới đẻ được. Lũ cá đực bị quyến rũ, đi theo để làm cái việc tạo hóa ban cho, giữ giống nòi tồn tại. Và đó cũng là cơ hội cho con người vùng sông nơi đồng bằng được một món quà tặng của thiên nhiên. Tuy nhiên cá mòi là một loài cá nhiều xương răm, ngon nhất có hai buồng trứng của cá cái và hai lá sẹ của con đực. Người Hà Nội chuộng cá mòi vì một năm chỉ có một vụ về mùa xuân, lạ miệng, lại là cá tươi bắt dưới sông lên, không qua ướp lạnh như cá mang từ biển vào đã giảm phẩm chất. Để khắc phục những nhược điểm của cá mòi, cá được chế biến như sau:
Làm cá mòi không phải mổ dọc bụng cá như mọi loài cá khác. Bỏ mang cá, rồi cắt ngang một nhát phía dưới mang, moi mật cá, dạ cá, kéo theo sợi ruột rất nhỏ cùng bong bóng cá, để lại hai buồng trứng (cá cái), hai lá sẹ (cá đực) nguyên trong bụng cá. Cá làm xong, rửa sạch, dùng dao sắc cắt thành vết chéo hai bên sườn cá. Gừng giã nhỏ, trộn ít muối vào gừng. Lấy bột gừng này chà xát hai bên sườn cá, cho gừng và muối ngấm vào những vết cắt. Ướp cá khoảng nửa giờ. Sau đó dùng que tre tươi cặp ngang thân cá. Mỗi cặp có thể hai hoặc ba con cá. Cặp cá đem nướng trên bếp than hồng. Cá nướng chín rất thơm. Mùi gừng cộng với mùi cá nướng gây thèm cho ai đó qua đường. Cá gỡ ra khỏi cặp tre, cho vào chảo rán. Chảo nhiều mỡ, rán nổi lưng mình cá, giở đi, lật lại cho cá vàng đều, chuyển sang mầu vàng nâu là được.
Cá mòi rán qua nướng, có thể ăn với rau thơm, rau mùi, chấm nước mắm chanh ớt. Tuy nhiên với trẻ con thì hai buồng trứng bao giờ cũng gây được nhiều thú vị nhất. Hai buồng trứng cá mòi nằm ép hai bên sườn cá như hai múi khế chín vàng suộm. Khi người lớn gỡ cá ra, bao giờ cũng ưu tiên trứng cá cho ông bà già và trẻ nhỏ.
ND